Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Truyền thông về lễ hội Yên Tử
Thứ 6, 21/06/2024 | 21:32:47 [GMT +7] A A
Tại hội nghị chuẩn bị đón đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO đến Yên Tử (ngày 10/5/2024), nhà nghiên cứu Chu Thị Hường, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) đã có bài phát biểu về vai trò của truyền thông di sản đối với lễ hội ở Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh lược ghi về nội dung này.
Theo nhà nghiên cứu Chu Thị Hường, lễ hội là một hình thức di sản văn hóa phi vật thể, mang trong mình nhiều vai trò quan trọng trong việc tạo cho cộng đồng một ý thức về bản sắc và sự kế tục. Lễ hội ở Yên Tử đang diễn ra quy mô lớn và cần được tăng cường truyền thông để bảo vệ và gia tăng giá trị di sản.
Yên Tử với vị trí là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm, nơi đây có tới hàng chục công trình tôn giáo tín ngưỡng ghi dấu các chặng đường phát triển của lịch sử Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, quốc gia Đại Việt nói chung. Mỗi di tích đều gắn với những câu chuyện di sản đã, đang hoặc chưa được khám phá hết cũng như chưa được truyền thông đầy đủ. Hầu như di tích nào ở Yên Tử cũng có lễ hội, đặc biệt là các lễ hội mùa xuân, đôi khi cả lễ hội mùa thu. Các lễ hội ở Yên Tử đều được tổ chức với quy mô lớn, từ 1-3 tháng, thu hút số lượng lớn khách hành hương.
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ mùng 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hằng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn và đông du khách nhất tại miền Bắc. Trước ngày khai mạc lễ hội, tại chùa Trình - Yên Tử, Hội Phật giáo tỉnh sẽ tổ chức nghi lễ mở cửa rừng Yên Tử. Lễ hội với những phần lễ trang nghiêm, mang ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, qua đó cho thấy tinh thần Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, lấy đạo để xây đời và qua đời để dựng đạo. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Hằng năm không chỉ phật tử mà hàng nghìn du khách đến đây dâng hương vãng cảnh.
Xu hướng phát huy lễ hội ở Yên Tử sẽ ngày càng mở rộng quy mô, gia tăng các hình thức lễ hội, thực hành tôn giáo tín ngưỡng, diễn xướng dân gian… Các lễ hội thông qua các hoạt động văn hóa và các dịch vụ của mình, thu hút du khách tham dự để trau dồi tri thức về vùng đất, văn hóa, lịch sử, đồng thời tiêu dùng các sản phẩm văn hóa và kinh tế ở địa phương.
Việc phổ biến thông tin về lễ hội cũng như các hình thức di sản khác trên các phương tiện truyền thông là một cách để góp phần bảo tồn di sản. Trong giai đoạn hiện nay, các lễ hội đã có sự khác biệt so với nguồn gốc ban đầu, rất nhiều lễ hội được phục hồi, sáng tạo, bổ sung nhiều hình thức mới phù hợp với điều kiện và nhu cầu hiện tại... Vì thế vai trò của truyền thông được thể hiện rất rõ rệt. Truyền thông gián tiếp thúc đẩy, cùng với cộng đồng sở hữu di sản, phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa ở vùng có di sản nói riêng, phát triển sức mạnh mềm của quốc gia nói chung.
Lễ hội Yên Tử hiện được vận hành dưới nhiều hình thức mới, không chỉ đơn thuần của hoạt động bảo tồn, mà còn tạo ra một sự khám phá, thám hiểm và trải nghiệm văn hóa lịch sử. Vì thế cần phải có chiến lược xây dựng truyền thông rõ ràng lễ hội Yên Tử. Truyền thông lễ hội có tác dụng marketing, quảng bá di sản; trở thành trợ lực cho phát triển và bảo tồn di sản.
Di sản Yên Tử mang lại nhiều bài học quý giá cho hôm nay. Vì ý nghĩa đó, truyền thông lễ hội Yên Tử nói riêng, truyền thông di sản Yên Tử nói chung, cần được làm tốt hơn nữa để có thể phát huy giá trị của di sản và mang lại nguồn lợi cho địa phương. Mục tiêu này rất cần nỗ lực tham gia của các cấp chính quyền, quản lý di tích cũng như sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()