Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 05:57 (GMT +7)
"Tôn sư trọng đạo" - Truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Chủ nhật, 17/11/2024 | 05:52:24 [GMT +7] A A
Quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn rất nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đây là truyền thống đạo đức quý báu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam.
Trong xã hội Việt Nam cả thời kỳ phong kiến đến nay, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý đó. Ca dao có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” và tục ngữ Việt Nam cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên” để thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân dành cho người thầy. “Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình. “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô.
Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy dạy đã dạy mình. Từ xưa đến nay, vai trò của người thầy luôn được đề cao dù ở đâu hay bất kỳ thời đại nào. Thầy cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại. Nếu không có sự chỉ dạy của thầy cô giáo thì mọi sách vở dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ.
Thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh và là những người bồi dưỡng nền tảng đạo đức, nhân cách, nhân phẩm cho mỗi học sinh, hướng học sinh đạt đến các giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ, trở thành con người tốt đẹp. Bởi thế, khi đến được con đường vinh quang thì mỗi chúng ta hãy luôn ghi nhớ công ơn của thầy cô và đền đáp lại thật xứng đáng. Không chỉ dừng ở việc lễ phép, kính trọng thầy cô mà cần thực hiện tốt những lời thầy cô dạy, chăm chỉ rèn luyện để trở thành công dân tốt. Dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống, những người thầy, người cô vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất, vậy thì họ rất xứng đáng được mọi người kính trọng và ghi nhớ công ơn.
Ngày 26/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, về việc sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam với mục đích, ngày này cũng là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình cho thầy cô. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng chắc chắn không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người định hướng tri thức để học trò ham khám phá, tìm tòi; khơi lên ước mơ, hoài bão; gieo vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp; thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
Từ trong sâu thẳm, bất kỳ người thầy, cô nào cũng luôn mong các em thành đạt để nên người, trở thành người tốt, lo cho cuộc sống riêng cũng như góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhận trách nhiệm cao quý mà xã hội giao cho, đòi hỏi mỗi nhà giáo càng phải ý thức được sứ mệnh lớn lao của mình để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, bồi đắp, hoàn thiện bản thân, xứng đáng với danh hiệu “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Cho dù ở thời đại nào, “tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống quý giá cần được giữ gìn và phát huy. Mong rằng, truyền thống cao quý ấy không chỉ là chuyện trong nhà trường mà còn là đạo lý và lễ nghĩa của toàn xã hội, là dòng chảy xuyên suốt qua mọi thế hệ.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()