Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:48 (GMT +7)
Truyền thông thay đổi nhận thức
Thứ 6, 07/01/2022 | 06:20:12 [GMT +7] A A
Hoạt động truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong nhận thức, thay đổi hành vi dựa trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng, tạo ra nhiều chuyển biến hiệu quả trong công tác DS-KHHGĐ.
Làm video tuyên truyền trên nền tảng Tik tok nhằm tư vấn cho các cặp vợ chồng sinh con một bề, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là một cách làm hiệu quả tại xã Việt Dân (TX Đông Triều). Để thực hiện phương pháp truyền thông này, các cán bộ dân số trên địa bàn xã đã ghi lại các hình ảnh rất cầu kỳ, sau đó cắt ghép, chỉnh sửa, đăng lên các trang mạng xã hội nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền.
Chị Trịnh Thị Lựu, cán bộ dân số xã Việt Dân, cho biết: Mặc dù cách làm này khá tốn thời gian, nhưng lại thu hút được sự quan tâm của nhiều gia đình ở xã. Chị em phụ nữ thông qua đó mà biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp và dần dần thay đổi được nhận thức, hành vi đối với công tác DS-KHHGĐ.
Trên địa bàn xã Việt Dân có hơn 80% chị em biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai nhờ cách thức tuyên truyền trực tiếp thông qua việc cán bộ, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giúp các gia đình nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ, hoặc trên các nền tảng mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hiên (xã Việt Dân) chia sẻ: Cán bộ dân số rất nhiệt tình tư vấn cho chị em chúng tôi, đến tận nhà để phát tờ rơi tuyên truyền, nói chuyện tư vấn, giải đáp thắc mắc. Tôi và chồng kết hôn gần 10 năm, đã có 2 con và không muốn sinh thêm con thứ 3, vì thế nhờ các cán bộ dân số tôi chọn được cách tránh thai phù hợp. Tôi đã sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai nên rất yên tâm không để mang thai ngoài ý muốn.
Theo Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TX Đông Triều, phương thức truyền thông tập trung vào từng nhóm đối tượng cụ thể. Những tháng cao điểm, các hình thức tuyên truyền được triển khai như băng rôn, khẩu hiệu, phát các chương trình tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã. Đồng thời, tổ chức các hội nghị về DS-KHHGĐ, tuyên truyền vào các nội dung chính như KHHGĐ, sàng lọc trước và sau sinh, chăm sóc SKSS cho phụ nữ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Năm 2021, tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động truyền thông, hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác dân số được triển khai khá hạn chế. Hệ thống dữ liệu dân cư theo dõi, báo cáo về lĩnh vực DS-KHHGĐ còn thiếu, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin... Tuy nhiên, đội ngũ những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đều luôn nỗ lực, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, đa dạng hình thức cung cấp, nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh đã tổ chức tốt các chiến dịch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ đã cấp phát 18.100 tờ áp phích, 900 quyển lịch để bàn, 99 pa nô tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho 13 trung tâm y tế cấp huyện. Các đề án: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát dân số biển đảo và ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... tiếp tục được thực hiện hiệu quả. 1.543 thôn, bản, khu phố (đạt 100%) có cộng tác viên xã hội, trong đó thực hiện nhiệm vụ công tác dân số, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân số tại địa phương.
Với nhiều giải pháp thiết thực, tỷ số giới tính khi sinh dự kiến đạt 109,26 bé trai/100 bé gái, giảm 3,31 điểm % so với năm 2020. Quảng Ninh đã thuộc vùng đạt mức sinh thay thế. Trên 99.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, trên 19.000 phụ nữ thực hiện sàng lọc trước sinh, trên 12.700 trẻ được sàng lọc sơ sinh, 96,3% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()