Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:01 (GMT +7)
Truyền thông phòng, chống mua bán người
Thứ 5, 03/11/2022 | 18:05:12 [GMT +7] A A
Ngày 3/11, tại Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long), Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công An tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép. Tham dự chương trình, có các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đặng Thị Hạnh, Quản lý chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam; Nguyễn Vũ Thu Hòa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và sở, ngành, đoàn thể của tỉnh liên quan.
Theo báo cáo năm 2021 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương diễn biến rất phức tạp. Trong đó, Việt Nam là khu vực điểm “nóng”, chịu áp lực rất lớn trước tình trạng mua bán người hiện nay. Từ năm 2010 đến tháng 6/2021, theo số liệu từ các địa phương, đơn vị trên toàn quốc, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê, lừa di cư trái phép, di cư lao động bất hợp pháp...
Tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn từ năm 2016 -2021, có tổng cộng 25 vụ án, 47 bị can phạm tội mua bán người; kịp thời ngăn chăn, giải cứu cho 35 nạn nhân trong các vụ án, trong đó, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi là 32 người, chiếm tỷ lệ hơn 91%.
Báo cáo tình hình mua bán người qua các năm của Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng những mối quan hệ sẵn có để móc nối hoặc quay về Việt Nam tuyển mộ, lừa gạt. Hiện nay, các đối tượng phạm tội có xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân, thường nhắm đến đối tượng là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên nhưng có trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số, sau đó thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... hoặc gặp trực tiếp sau đó dùng thủ đoạn lừa gạt để thực hiện hành vi mua bán.
Tại chương trình truyền thông, thông qua hình thức sân khấu hoá, các trò chơi và sự trao đổi của cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trên 1.000 học sinh, phụ huynh Trường THPT Ngô Quyền được tương tác, tiếp cận, phổ biến các kiến thức, thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và cách phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép.
Sự kiện truyền thông được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các em học sinh, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Qua đó, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()