Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 00:17 (GMT +7)
Trường nghề loay hoay khi học sinh vừa muốn học văn hóa, vừa muốn học nghề
Thứ 2, 09/01/2023 | 09:17:59 [GMT +7] A A
Triển khai Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, trường nghề muốn tổ chức dạy văn hóa tốt, phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên trước tiên.
Sự ra đời của Thông tư 15 về giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ giúp học sinh có nhiều lựa chọn, mà còn là cơ sở để các trường nghề tổ chức dạy các môn văn hoá.
Qua trao đổi với một số lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, để thực hiện Thông tư 15 thuận lợi, cơ sở giáo dục phải từng bước chuẩn bị do những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Trường nghề khó chủ động
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ phụ trách tư vấn giáo dục văn hóa của trường cao đẳng nghề ở phía Nam cho rằng: “Trước đây, trường nghề kết nối với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy kiến thức môn văn hóa, học sinh được học 7 môn, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học.
Thông tư 15 ra đời, đối với lớp 10 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn lựa chọn, tùy học sinh có thế mạnh về khoa học tự nhiên, hay khoa học xã hội, trường sẽ định hướng chọn môn cụ thể”.
Cụ thể, ngoài môn Ngữ văn, Toán và Lịch sử là môn bắt buộc, thì còn 1 môn lựa chọn trong các môn: Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhà trường cho học sinh lựa chọn theo năng lực.
“Khi học sinh xác định vào trường nghề, mục đích chính của các em vẫn là học nghề, ra trường có bằng trung cấp nghề để đi làm việc. Tuy nhiên, khi muốn học chương trình cao đẳng, thì học sinh phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc có chứng nhận hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức chương trình trung học phổ thông theo quy định. Do vậy, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc kết hợp dạy văn hóa, song song với dạy nghề nhằm thuận lợi cho phân luồng học sinh.
Áp dụng Thông tư 15, trường vẫn tiến hành dạy 7 môn như bình thường nhưng sẽ định hướng cho học sinh ngay từ đầu. Ngoài học các môn bắt buộc, học sinh sẽ học môn tự chọn theo chuyên đề khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên theo kế hoạch dạy học của trung tâm giáo dục thường xuyên mà trường có phối hợp để tổ chức dạy văn hóa”, vị này chia sẻ thêm.
Chỉ ra một số vướng mắc khi thực hiện thông tư mới, vị này cho rằng, phải có sự kết hợp chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới giải quyết được bài toán học sinh vừa muốn học văn hóa, vừa muốn học nghề. Bởi khi triển khai thông tư mới, các trường nghề được chủ động xây dựng chương trình giảng dạy văn hóa, có cơ sở pháp lý để chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức chương trình trung học phổ thông thì người học của trung tâm giáo dục thường xuyên có bị biến động về số lượng hay không?Hiện, trường nghề quản lý về số người học, còn trung tâm giáo dục thường xuyên phụ trách về chuyên môn đào tạo kiến thức văn hóa.
Những năm trước, các kế hoạch dạy học, thi học kỳ, trường nghề đều phải chờ trung tâm giáo dục thường xuyên gửi tới nên khó chủ động.
Cũng có thể có tình huống phát sinh, là vừa học văn hóa, vừa học nghề khiến nhiều em thấy "đuối", nội dung học tập nhiều. Về phía nhà trường thì chúng tôi luôn động viên học sinh cố gắng học nghề và học văn hóa để ra trường đáp ứng cả yêu cầu nghề nghiệp và kiến thức văn hóa”, vị này chia sẻ.
Cũng có trường hợp học sinh quá tải vì chọn học song song
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho dạy và học khi Thông tư 15 có hiệu lực, thầy Lê Đình Thâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, đa số học sinh của trường vừa học văn hóa, vừa học nghề.
“Nhìn chung, học sinh tự nguyện đăng ký học văn hóa trong vòng 3 năm cùng với học nghề. Trong 1 tuần, học sinh sẽ có 4-5 buổi học văn hóa, còn lại là học nghề.
Việc phân công đội ngũ giáo viên thực hiện theo hướng dẫn, kết hợp với một số trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung học phổ thông để dạy kiến thức văn hóa. Song, trường vẫn phải chủ động chuẩn bị đội ngũ giáo viên cơ hữu giảng dạy”, thầy Thâm chia sẻ thêm.
Thực tế cũng có những trường hợp, năng lực của học sinh không đảm bảo học song song cả văn hóa và nghề. Do đó, ngay từ khi nhập học, trường dựa trên nguyện vọng của học sinh để tư vấn. Nếu học sinh không muốn lên cao hơn, điều kiện không có, thì chỉ đăng ký học trung cấp nghề để tốt nghiệp ra trường đi làm. Nếu học sinh muốn học liên thông, thì tư vấn cho các em học thêm chương trình văn hóa trong trường nghề.
Trước đó, với học sinh đã học song song văn hóa và nghề rồi nhưng không theo kịp, trường đồng ý cho học sinh chuyển sang 1 là học chuyên biệt văn hóa, 2 là học chuyên biệt nghề, theo nguyện vọng của các em.
Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh, những năm trước, việc tuyển sinh của trường nghề gặp khó. Bởi, phải chờ đến khi các trường phổ thông tuyển sinh xong thì trường mới có người học. Tuy nhiên, càng những mùa tuyển sinh gần đây thì trường nghề càng có nhiều khởi sắc hơn. Khi các trường trung học trường phổ thông tuyển sinh xong thì trường nghề cũng tuyển sinh xong. Điều này cho thấy, công tác phân luồng của học sinh cấp trung học cơ sở có hiệu quả hơn.
Cũng theo thầy Thâm, đối với học sinh học hệ trung cấp nghề, có khoảng 98% học sinh chọn học văn hóa song song với học nghề, nhiều em có mong muốn học liên thông. Nhà trường mời giảng viên của các trường đại học, cao đẳng về kết hợp với giảng viên hiện có để trao đổi, giảng dạy hệ cao đẳng hiệu quả.
"Trong 2 năm gần đây, trường đạt 87% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đứng khoảng top 5 khối trường nghề của các trường trong tỉnh.
Học sinh của trường khó đạt 100% tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi đặc thù là các em vừa học văn hóa, vừa học nghề nên có phần vất vả hơn. Trong những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường thuê xe đưa đón học sinh đi thi, tập thể nhà trường tạo điều kiện hết mức, hỗ trợ mang dụng cụ như máy tính, Atlat, bút đến điểm thi cho học sinh mượn.
Nhờ được đào tạo văn hóa, trong những khóa học sinh tốt nghiệp ra trường, ngoài nhóm học sinh đi nghĩa vụ quân sự, đi làm, nhóm học sinh học lên cao đẳng thì trường cũng có một số học sinh thi đỗ đại học.
Thông tư 15 có hiệu lực, dưới góc độ là đơn vị thực hiện, trường cố gắng chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên căn cứ theo môn học quy định trong thông tư. Muốn tổ chức dạy học tốt, trường phải có đủ giáo viên. Hàng năm, trường vẫn tiến hành tuyển dụng vì có sự biến động số lượng học sinh và sàng lọc giáo viên, giảng viên. Hiện trường đang tuyển 6-7 nhân sự giáo viên dạy các môn văn hóa”, thầy Thâm chia sẻ.
Theo giaoduc.net.vn
Liên kết website
Ý kiến ()