Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
Trường ĐH đau đầu khắc phục tình trạng hàng nghìn SV bị buộc thôi học mỗi năm
Thứ 4, 11/01/2023 | 17:35:47 [GMT +7] A A
Nhà trường luôn mong muốn số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm sẽ giảm đi. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn sẽ tăng lên nhiều hơn.
Số lượng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, vì sao sau nhiều năm tình trạng này vẫn chưa được cải thiện? Lý do đến từ đâu?
Khoảng 3000 - 4000 sinh viên bị cảnh cáo học vụ lần 1
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm ở trường rất ít, tuy nhiên con số sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 lại nhiều, khoảng 3000-4000 sinh viên.
“Sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, bị cảnh báo học vụ khá nhiều. Lý do cảnh báo là điểm thi thấp hơn quy định, khoảng dưới 2,0 khi quy về thang điểm 4. Để dẫn đến điều này thì nguyên nhân chính là sinh viên chủ quan, không học bài hoặc do học bài sơ sài quá nên điểm thi thấp”, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết.
Sinh viên sẽ bị cảnh báo 3 lần, nếu không có sự cải thiện và bị cảnh cáo lần 4, sau đó sẽ buộc phải thôi học. Chia sẻ thêm, thầy Sơn cho hay:
“Ngoài thông báo sinh viên bị cảnh báo, nhà trường còn nhắn tin nhắc nhở các em. Sinh viên bị cảnh báo buộc phải học lại các môn có điểm thi chưa đạt yêu cầu của trường”.
Bàn về vấn đề này, Phó giáo sư Phạm Hồng Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng - một trong những trường thuộc khối kỹ thuật với số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm khá nhiều cho biết, nhà trường cũng rất đau đầu trong việc đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.
Thầy Hải chia sẻ: “Thực tế, khối bách khoa số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm khá nhiều, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn cũng rất nhiều. Và không ai muốn tình trạng này xảy ra cả, tuy nhiên, việc buộc thôi học đối với những sinh viên không đáp ứng được yêu cầu là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của trường”.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến số lượng sinh viên bị buộc thôi học và cảnh cáo học vụ nhiều. Trong đó, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh đến 2 vấn đề, đó là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khối lượng chương trình học khá nặng dẫn đến sinh viên có tư tưởng bỏ học, chán học,…
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập trực tiếp bị gián đoạn suốt thời gian dài, quá trình học của sinh viên bị ảnh hưởng khá nhiều. Đối với sinh viên năm nhất, việc thay đổi cách học đột ngột giữa môi trường học tập phổ thông và đại học cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc học của các em.
Đối với khối kĩ thuật, chương trình học khá nặng, yêu cầu việc học nghiêm túc và khắt khe cũng là trở ngại khiến nhiều sinh viên có kết quả học tập chưa như mong muốn.
Trường hợp khác, một số sinh viên học các ngành “hot” như Công nghệ thông tin, ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, các em đã có cơ hội đi làm ở bên ngoài với mức lương hấp dẫn. Do vậy, cũng nhiều sinh viên không cân bằng được công việc và học tập dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả thi cử.
Bên cạnh đó, thầy Hải cũng nhắc tới việc hiện nay có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tính phân hoá của đề thi chưa cao cũng là một phần lý do dẫn ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu vào.
Nhiều giải pháp hạn chế tình trạng sinh viên bị buộc thôi học
Thực tế, hàng nghìn sinh viên nghỉ học hàng năm là một sự lãng phí lớn đối với xã hội. Phó Giáo sư Hải chia sẻ, số lượng lớn sinh viên nghỉ học mỗi năm đối với nhà trường ảnh hưởng rất nhiều, mà điều đầu tiên chính là mục tiêu của trường không hoàn thành.
“Nhà trường luôn mong muốn số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm giảm đi. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của trường sẽ tăng lên nhiều hơn”, thầy Hải nói.
Nguồn nhân lực phục vụ cho xã hội cũng bị ảnh hưởng khi nhiều cử nhân ngành kỹ thuật không tốt nghiệp đúng hạn. Và một điều quan trọng khác, nguồn thu của chính nhà trường cũng bị ảnh hưởng theo (liên quan đến học phí).
Theo thầy Hải, những năm gần đây, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng “chăm sóc sinh viên kỹ hơn ngay từ năm nhất”.
“Chương trình đào tạo có sự thay đổi để sinh viên có thể tiếp xúc với ngành nghề sớm hơn. Nhà trường điều chỉnh chương trình để các em sớm tiếp cận với chuyên môn, từ đó có những định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp của mình.
Trường cũng chỉ đạo các khoa, đặc biệt các khoa quản lý sinh viên cử giáo viên chủ nhiệm quan tâm, sâu sát hơn với các em.
Năm nay, nhà trường cũng xây dựng thêm đề án cố vấn học tập. Ngoài giáo viên chủ nhiệm, các lớp sẽ có thêm cố vấn học tập để định hướng cho sinh viên về việc đăng ký tín chỉ để có khối lượng học tập phù hợp, không ảnh hưởng đến lộ trình học.
Trường cũng có thêm các giải pháp để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên thông qua tổ chức mô hình các câu lạc bộ, trao đổi với các trường tổ chức đào tạo,...”.
Theo giaoduc.net.vn
Liên kết website
Ý kiến ()