Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:32 (GMT +7)
Trước ngày Báo Quảng Ninh ra số đầu
Thứ 6, 12/01/2024 | 13:40:59 [GMT +7] A A
Từ báo Than đến báo Quảng Ninh, tuy có những lúc đứt đoạn theo những bước thăng trầm của lịch sử cách mạng đầy hy sinh, tổn thất, song vẫn là liền mạch, vẫn là một dòng máu đỏ thắm, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lý tưởng cộng sản. Các thế hệ nhà báo Quảng Ninh tự hào và nhận thức sâu sắc ý nghĩa của bề dày truyền thống đó, lấy đó làm động lực để tạo nên vị thế không dễ có được của một tờ báo Đảng địa phương.
Những tờ báo kháng chiến
Cách mạng Tháng Tám diễn ra ở Quảng Ninh phức tạp, quyết liệt. Từ 8/6/1945, du kích quân Chiến khu Đông Triều đã ra quân hạ một loạt bốn đồn binh Nhật (Chí Linh, Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch), giải phóng toàn huyện Đông Triều, đầu tháng 7 giải phóng Uông Bí, 20/7 giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên.
Trong những ngày khẩn trương, quyết liệt ấy, Chiến khu Đông Triều đã sớm xuất bản tờ báo mang tên Sóng Bạch Đằng. Lúc đầu, trên đất Đông Triều, Báo in bằng thạch. Sau khi giải phóng Kinh Môn và Thủy Nguyên, được một nhà tư sản ở Hải Phòng bí mật gửi tặng một máy in ti-pô đạp chân, tờ Sóng Bạch Đằng được in ngay trên đất Thủy Nguyên. Báo in hai mặt trên tờ giấy thếp học trò, có tin chiến thắng, có bài giới thiệu chính sách Việt Minh và có cả thơ, ca dao. Sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang ở các tỉnh vùng duyên hải tổ chức lại. Chiến khu Ba được thành lập, ít tháng sau ra báo. Tờ báo của chiến khu Ba mang tên Quân Bạch Đằng, kế tiếp tờ báo Sóng Bạch Đằng của Chiến khu Đông Triều.
Cuối năm 1947, trên đất huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh xuất bản tờ Tin Hải Ninh kháng chiến bằng ba thứ tiếng: Kinh, Tày, Hoa. Nội dung tờ tin là tóm tắt tin chiến thắng từ tờ báo Cứu quốc cùng một số tin ngắn trong nước và thế giới. Kỹ thuật ấn loát thô sơ, khi in thạch, lúc in trên đất sét hoặc bột gạo, khuôn khổ 19x24 hoặc 24x32cm. Tuy vậy, đó là những thông tin có tác dụng cổ vũ kịp thời. Sau đó, quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Đình Lập, các cơ quan tỉnh Hải Ninh khi ở Lộc Bình, khi ở Hải Chi, thiếu thốn khó khăn trăm bề, tờ tin không duy trì được.
Đầu năm 1949, Ty Tuyên truyền Hải Ninh được củng cố, ra tờ Hải Ninh thông tin mỗi tháng 4 kỳ, mỗi kỳ 2 trang, khổ 13x14cm, in thạch hoặc đất sét. Nội dung chủ yếu cũng là tin chiến thắng ở các chiến trường, tin trong nước và một số tin thế giới.
Gắn liền với Chiến dịch Biên giới, ngày 25/12/1950, huyện Bình Liêu được giải phóng, trở thành căn cứ kháng chiến của tỉnh Hải Ninh. Trên đất Bình Liêu, từ năm 1952, Hải Ninh xuất bản tờ Hải Ninh giải phóng báo bằng chữ Hán. Báo in “tăng xin” kiểu thủ công (viết chữ bằng bút kim lên giấy sáp rồi quệt mực in cho thấm xuống giấy trắng). Báo có 21 trang khổ 13x18cm. Báo đăng tin chiến thắng, vạch tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào các dân tộc Hải Ninh, biểu dương các thành tích phục vụ kháng chiến của đồng bào. Tờ báo được cán bộ, bộ đội đưa về các huyện tạm bị chiếm đóng, bà con người Hoa đọc báo hiểu rõ hơn cái gọi là “Xứ Nùng tự trị” chỉ là âm mưu chia rẽ của Pháp.
Cuối năm 1953, Ty Tuyên truyền Hải Ninh ra thêm đặc san hàng tháng. Mỗi tháng có một chủ đề. Đặc san số 5 ngày 20/4/1954, có tên bìa Trở về kháng chiến, vừa tuyên truyền Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa giới thiệu chính sách mới với binh sĩ ngụy trở về với kháng chiến.
Ở Quảng Yên, từ năm 1953, Ty Tuyên truyền và Văn nghệ Quảng Yên xuất bản Báo Quảng Yên gồm 4 trang khổ 22x30cm. Báo in trên giấy màu xám nhạt, chữ rõ ràng, dễ đọc. Trang đầu là tin về các sự kiện chính trị quan trọng. Các trang trong là tin kháng chiến và sản xuất, có cả tin thế giới và tin về văn hóa, văn nghệ.
Phía Đặc khu Hòn Gai, sau khi tách khỏi liên tỉnh Quảng Hồng, cuối năm 1948, Ty Tuyên truyền Đặc khu được thành lập và nhân dịp Tết Mậu Thìn, đã cho ra tờ Vùng Than. Số đầu tiên cũng là số Tết. Báo in li-tô từ trong căn cứ của Đặc khu ở vùng rừng núi Sơn Động. Báo có khuôn khổ 22x27cm. Sau số đặc biệt, các số thường in hai trang nhưng khổ rộng hơn (39x54cm), ra nửa tháng một kỳ. Ngoài tin chiến thắng, tin thế giới còn có các bài tố cáo thủ đoạn bóc lột, đàn áp của bọn chủ mỏ. Có số in lại cả truyền đơn kêu gọi công nhân đấu tranh của Công đoàn mỏ.
Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, ngày 1/12/1949, Công đoàn Đặc khu Hòn Gai cho ra đời tạp chí Thợ mỏ (cơ quan tranh đấu và tuyên truyền của Công đoàn Hòn Gai), khổ 11x16cm, 24 trang. Tạp chí được in tại nhà in Miền Mỏ.
Sau một thời gian, tờ Thợ mỏ đổi thành tờ Tin tức, ra mỗi tháng một kỳ, 4 trang, khổ 24x32cm, in li-tô. Tết Nguyên đán năm Canh Dần, tờ Tin tức ra số đặc biệt mang tên Hòn Gai thông tin khổ 27x22cm, 8 trang, in li-tô.
Tờ Vùng than, tờ Thợ mỏ và tờ Tin tức của Đặc khu Hòn Gai nói chung có chất lượng tốt, tin tức phong phú, kịp thời, chính xác. Báo in li-tô và trình bày khá đẹp. Từ một vài trăm bản tăng dần đến nghìn bản, đã thành một phương tiện thông tin - tuyên truyền rất có hiệu quả. Báo không những chỉ lưu hành trong vùng căn cứ, các vùng du kích mà còn được đưa vào các thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, các thị trấn Hà Tu, Hà Lầm, được công nhân mỏ và đồng bào vùng bị tạm chiếm chuyền tay náo nức đọc.
Những tờ báo tiền thân Vùng Mỏ, Hải Ninh
Từ ngày 1/1/1964 trở về trước, Quảng Ninh còn là hai đơn vị hành chính: Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Mỗi nơi đều có tờ báo riêng.
Ở khu Hồng Quảng, sau ngày giải phóng, từ tháng 8/1945 có tờ Vùng Mỏ. Ban đầu, tờ Vùng Mỏ do Công đoàn khu Hồng Quảng xuất bản, khổ 39x54cm, 2 trang, in máy, mỗi tuần một kỳ. (Biểu tượng vẽ trên đầu báo là hình chiếc cuốc chim và chiếc xẻng đặt chéo nhau). Nội dung chủ yếu là tin phục hồi sản xuất, tin hoạt động của Công đoàn mỏ. Có in cả ca dao, thơ, truyện ngắn, trích truyện dài nhưng thực chất vẫn là bản tin và chỉ phát hành trong các xí nghiệp mỏ.
Bên ngoài ngành Than có tờ Tin Hồng Quảng của Ủy ban Hành chính khu, khuôn khổ 39x54cm, 2 trang, mỗi tháng ra 2 số, chủ yếu là tin nông thôn, nông nghiệp để phát không xuống các huyện.
Cuối năm 1958, Ban Thường vụ Khu ủy và Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng ra Nghị quyết thành lập cơ quan Báo Vùng Mỏ, sáp nhập tờ Tin Hồng Quảng và Báo Vùng Mỏ thành tờ báo chung của khu “phục vụ công nghiệp và coi trọng vấn đề phát triển nông nghiệp”. Lúc đầu báo ra một tuần một kỳ, khổ 39x54 cm, sau tăng lên 2 kỳ, khổ 79x54cm. Đến năm 1962, theo quy định thống nhất của Trung ương, các báo địa phương đều có khổ nhỏ, nên lại ra khổ 39x54cm.
Ở tỉnh Hải Ninh, sau khi tỉnh lỵ từ Tiên Yên chuyển về Móng Cái, từ đầu năm 1957, tờ Tin Hải Ninh khổ 19x27cm (do Phòng Thông tin Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách biên tập) ra mỗi tháng 1 kỳ sau tăng lên 2 kỳ và in bằng hai thứ tiếng Việt, Hán. Từ đầu năm 1960, tờ Tin Hải Ninh được chuyển thành Báo Hải Ninh, ra hàng tuần, khổ 39x54cm, chữ Việt in 4 trang, mỗi số 1.000 tờ, chữ Hán in 2 trang, mỗi số 500 tờ. Đến năm 1963, số lượng tăng gấp đôi. Việc phát hành báo từ đây cũng chuyển sang cho ngành bưu điện, từng bước có thu tiền của các cơ quan và bắt đầu có tính nhuận bút (chủ yếu để trả tiền tem cho thông tín viên gửi tin, bài).
Theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/12/1963 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc đổi tên tờ báo Vùng Mỏ, thì “Ban Giám đốc Công ty Than trong điều kiện có kinh phí, có biên chế riêng thì có thể ra tờ tin riêng lấy tên “Vùng Mỏ”. Công ty Than Hòn Gai (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã ra tờ tin Vùng Mỏ, tuần phát hành 1 số. Đến năm 1968, tờ tin Vùng Mỏ của ngành Than lại sáp nhập về Báo Quảng Ninh. Có thể coi tờ tin Vùng Mỏ này là ấn phẩm tiền thân của Tạp chí Than - Khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay...
Ban Biên tập
Liên kết website
Ý kiến ()