Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 13:19 (GMT +7)
Trung thu xưa – Trung thu nay
Chủ nhật, 19/09/2021 | 09:36:22 [GMT +7] A A
Cũng giống như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu là một nét đẹp văn hoá truyền thống bao đời của người Việt. Trung thu đã đi vào văn học dân gian, nghệ thuật, qua các câu hát của mẹ, của bà và đọng lại trong tâm hồn mỗi người về những ký ức tuổi thơ khó quên.
Nhiều người ở độ tuổi 50 - 60 nhưng cho đến giờ hỏi lại, rất nhiều người vẫn còn nhớ những bài học thuộc lòng từ thuở “vỡ lòng” như “Chú Kim đi xe đạp”, “Cần ăn rau” và một trong số đó có bài “Trung thu độc lập” của nhà văn Thép Mới diễn tả tâm sự của một anh bộ đội đứng gác ở trại trong đêm trung thu đầu tiên khi nước ta giành được độc lập. Giờ lục lại ký ức, hẳn nhiều người còn thuộc: “Đêm nay anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em. Trăng đêm nay soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em… Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết Trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em”.
Trong thể loại ca khúc, có rất nhiều bài như Rước đèn tháng tám”, “Thằng Cuội”, “Vầng trăng cổ tích”, trong đó nổi bật là bài “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, được hát vang mỗi dịp Tết Trung thu và hầu như ai cũng thuộc: “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu... Em cầm đèn sao, em hát vang vang…”.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước còn khó khăn nhưng mỗi khi Trung thu đến, chính quyền, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các gia đình từ thành thị đến nông thôn đều cố gắng hết mức có thể, dù ít, dù nhiều để chăm lo cho thiếu nhi, cho con mình đón Tết Trung thu. Ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc thời ấy, Tết Trung thu, trẻ em thường được tập trung ra sân kho hợp tác xã, được phát bánh phồng, kẹo chanh, rước đèn tập thể vòng quanh và múa hát theo bắt nhịp của các anh chị phụ trách. Gia đình nào nghèo khó thì cũng mua, hái quả bưởi trong vườn để con được phá cỗ trông trăng. Một số người còn giữ được cách làm đèn kéo quân, tiến sĩ giấy cho con. Mỗi khi có gió, ông tiến sĩ giấy múa may loạn xạ trong ánh mắt thích thú của bọn trẻ. Ở thành thị, cuộc sống dù sao cũng khá hơn. Trẻ em được rước đèn ông sao, thưởng thức bánh trung thu, được cha mẹ cho đi chơi công viên…
Ngày nay, đất nước ta đã đổi mới, kinh tế xã hội không ngừng phát triển. Tết Trung thu cũng có những thay đổi bởi nhu cầu, tác động của cuộc sống mới. Bánh trung thu được cải tiến với nhiều loại hình, mẫu mã, chất lượng. Các đồ chơi trung thu cũng được “nâng cấp” từ truyền thống, đơn giản sang dùng điện tử, đèn điện, cài đặt sẵn bản nhạc… Cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, kinh tế xã hội phát triển là điều kiện để trẻ em hôm nay được chăm lo Tết Trung thu đủ đầy hơn. Hàng năm, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, cơ quan, đơn vị không chỉ Quảng Ninh mà cả các tỉnh thành khách đều quan tâm, tặng quà cho thiếu nhi, nhất là các em thuộc gia đình hộ nghèo, khó khăn, vùng cao để các em được vui đón Tết Trung thu.
Đáng mừng là nhiều nét đẹp văn hoá Tết Trung thu truyền thống vẫn được bảo tồn, phát huy ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn như tục rước đèn, múa rồng, lân, làm đèn ông sao, tổ chức các trò chơi dân gian. Nhiều bảo tàng, khu du lịch như Bảo tàng Quảng Ninh, Khu du lịch làng quê Yên Đức, Khu du lịch trải nghiệm Quảng Ninh Gate (Đông Triều)… đã tổ chức phục dựng và diễn trò chơi dân gian để trẻ em được trải nghiệm.
Do yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid -19 của cả nước, dù Quảng Ninh là “vùng xanh an toàn” nhưng vì an toàn sức khoẻ cộng đồng, Tết Trung thu năm nay không tránh khỏi ảnh hưởng, hạn chế các hoạt động vui chơi tập thể, nhất là nơi đông người. Một “tết Trung thu tươi đẹp hơn” – như lời nhà văn Thép Mới sẽ đến với các em vào năm sau khi đất nước ta đã chiến thắng dịch Covid -19.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()