Cơ sở quan sát mới có tên là Fuyan sẽ bao gồm một mạng radar phân tán với hơn 20 ăng-ten, mỗi ăng-ten có đường kính từ 25 đến 30 m. Khi làm việc cùng nhau, chúng có khả năng thực hiện quan sát độ nét cao về các tiểu hành tinh trong phạm vi 150 triệu km, biến Fuyan trở thành hệ thống radar tầm xa nhất thế giới.
Hệ thống do Trung tâm Đổi mới Trùng Khánh thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh phối hợp xây dựng, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ gần Trái Đất và nghiên cứu các tiểu hành tinh.
Chương trình Fuyan sẽ theo dõi, lập danh mục và phân tích các tiểu hành tinh có khả năng gây ra mối đe dọa cho hoạt động không gian của con người. Mạng radar cũng sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ của Trung Quốc trong việc thăm dò vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng, bao gồm tìm kiếm mục tiêu hạ cánh thích hợp cho sứ mệnh thăm dò tiểu hành tinh Thiên Vấn 2.
Zhang Rongqiao, nhà thiết kế chính của sứ mệnh thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn 1, tiết lộ với truyền thông vào tháng 5 rằng, Thiên Vấn 2 đã bước vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển nguyên mẫu, dự kiến được phóng lên vào năm 2025.
Thiên Vấn 2 sẽ là sứ mệnh kéo dài một thập kỷ, trong đó tàu thăm dò thực hiện các quan sát, thu thập mẫu từ tiểu hành tinh 2016HO3 và đưa trở về Trái Đất. Theo Space, tiểu hành tinh này có thể là một mảnh vỡ của Mặt Trăng.
Long Teng, Chủ tịch Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết trong một tuyên bố rằng chương trình Fuyan sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn. Trong gian đoạn đầu tiên, 4 radar đường kính 16 m sẽ được thiết lập để xác minh tính khả thi của hệ thống và tạo hình ảnh 3D của Mặt Trăng. Hiện tại, hai trong 4 radar này đã hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9 năm nay.
Giai đoạn thứ hai sẽ tăng số lượng ăng-ten lên hơn 20 và hình thành một mạng radar phân tán độ nét cao tương đương với một hệ thống có đường kính 100 m, cho phép Trung Quốc thăm dò và chụp ảnh tiểu hành tinh cách xa hàng chục triệu km.
Giai đoạn thứ ba cuối cùng sẽ mở rộng phạm vi quan sát lên 150 triệu km và trở thành radar không gian sâu đầu tiên trên thế giới có khả năng tạo hình 3D và giám sát chủ động các thiên thể trong toàn bộ hệ Mặt Trời.
Lịch trình và quy mô của giai đoạn thứ ba vẫn chưa được xác định, vì nó còn phụ thuộc vào các kết quả và nghiên cứu được thực hiện trong hai giai đoạn trước.
Khác với nguyên lý hoạt động của Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 m (FAST), được thiết kế để thu thập thụ động các tín hiệu vô tuyến từ không gian, Fuyan sẽ chủ động bắn tín hiệu vô tuyến tới các thiên thể để thu được các quan sát mới.
"Hệ thống radar không gian sâu này chắc chắn sẽ bao phủ toàn bộ phạm vi trong hệ thống Trái Đất-Mặt Trăng, vì Mặt Trăng chỉ cách xa khoảng 400.000 km. Điều đó có nghĩa là hệ thống có thể giám sát hành trình các tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, giúp ích rất nhiều cho công cuộc khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc", Wang Ya'nan, Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ có trụ sở tại Bắc Kinh, hôm 10/7 nhấn mạnh.
Ý kiến ()