Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 09:54 (GMT +7)
Trung Quốc thắt chặt chống COVID-19, kinh tế toàn cầu lao đao
Thứ 5, 12/08/2021 | 10:05:39 [GMT +7] A A
Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp chống COVID-19 để ngăn số ca bệnh gia tăng - động thái có thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới, theo chuyên gia.
Chiến lược gia toàn cầu, chủ tịch công ty chiến lược Independent Strategy David Roche cho rằng kinh tế Trung Quốc gián đoạn do các biện pháp chống COVID-19 ngày một thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Thị trường đang bước vào giai đoạn cho rằng dù COVID-19 tồi tệ thì phục hồi kinh tế cũng đang diễn ra, thay thế dần các lệnh phong tỏa và hạn chế tương tác xã hội. Công thức của thế giới là như vậy... Nhưng ở Trung Quốc tình hình lại khác, và tổn thất kinh tế rồi sẽ không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà còn xuất hiện trên toàn cầu”, ông nói.
Chuỗi cung ứng ngừng trệ ở Trung Quốc
Ông Roche giải thích việc gián đoạn trong kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu như thế nào.
Theo ông, phong tỏa quy mô lớn khắp nước này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới khi phần lớn chuỗi đang nằm ở Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, làm tăng giá một số mặt hàng, cũng như tăng mức dự báo lạm phát trên toàn cầu.
Hiện theo dự đoán của Roche, tăng trưởng GDP theo năm của Trung Quốc ở quý 3 sẽ giảm xuống còn khoảng 2-3%, so với 7,9% của quý 2.
Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể dừng ở mức khoảng 5-6%.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang dần đi xa khỏi câu chuyện phục hồi mạnh mẽ từ COVID-19... và đi vào quỹ đạo tăng trưởng dài hạn với kỳ vọng thấp hơn nhiều so với những gì mọi người từng nghĩ đến", Roche nói.
Việc dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, từ đó tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã từng xảy ra vào các giai đoạn bùng phát khác của đại dịch. Câu chuyện “đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, “giảm phụ thuộc” vào một mắt xích duy nhất (Trung Quốc) được nhắc đến rộng rãi trong năm đầu tiên thế giới chống chọi với COVID-19, bên cạnh tác động của thương chiến Mỹ - Trung.
Là công xưởng lớn của thế giới, Trung Quốc có vai trò lớn trong chuỗi. Ngay cả trong đại dịch, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 32,3% so với một năm trước trong tháng 4/2021, khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tăng lên. Kim ngạch xuất khẩu đạt 263,9 tỷ USD, tăng 60,6% trong hai tháng đầu năm 2021.
Các công ty ở Mỹ, Canada, Châu Âu và Australia phải hứng chịu những cú sốc về chuỗi cung ứng khi dòng nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn trong đại dịch. Các CEO “bí mật” yêu cầu phát triển các nguồn bổ sung độc lập bên ngoài, với một số thị trường được chú ý như ở Đông Nam Á hoặc trên toàn châu Á.
Cùng với việc các công ty Mỹ chịu áp lực vì nhân viên không muốn đến Trung Quốc, khách hàng lo ngại về sự an toàn của thực phẩm và các mặt hàng khác từ nước này (dù chưa có căn cứ), các chính trị gia muốn các công ty nhanh chóng tách khỏi Trung Quốc hay tránh phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, đã có những dự đoán về việc công ty nước ngoài “di cư” khỏi Trung Quốc.
Nhưng bất chấp dự đoán về làn sóng dịch chuyển của các công ty quốc tế ra khỏi Trung Quốc, thời gian gần hai năm dường như chưa đủ để chuyện này xảy ra. Hơn thế nữa, với tốc độ xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm và dễ lây nhiễm hơn, không chỉ Trung Quốc mà cả mạng lưới cung ứng của Đông Nam Á hay châu Á cũng đều đang đứt gãy.
Nghịch lý nhu cầu cao - hàng hóa chất đống
Tháng 6/2021, hàng tuần gián đoạn hoạt động ở một trong những ga hàng hóa lớn nhất thế giới tại miền Nam Trung Quốc đã ngay lập tức ảnh hưởng đến ngành vận tải toàn cầu, làm tình trạng trì hoãn của chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các nhà sản xuất và bán lẻ.
Nhà ga Yantian ở Thâm Quyến đóng cửa gần một tuần vào cuối tháng 5 sau khi công nhân cảng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Vài tuần sau, năng suất chỉ phục hồi khoảng 70% mức bình thường.
Với việc xử lý 13 triệu container vận chuyển mỗi năm, Yantian trở thành nhà ga lớn thứ ba trên thế giới. Tình trạng tắc nghẽn tại cơ sở còn tràn sang các nhà ga lân cận khác như Nansha và Shekou, trong bối cảnh chính quyền địa phương chặn đường và đóng cửa một số khu kinh doanh trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.
Vào đỉnh điểm gián đoạn, Leslie Wang, một chủ nhà máy quần áo ở Quảng Châu, nói với Financial Times rằng tình hình "giống như một cơn ác mộng".
Mặc dù bà đã xét nghiệm cho tất cả các công nhân của mình để giữ cho các dây chuyền sản xuất hoạt động, “hàng hóa vẫn chất đống tại công ty vận chuyển và không đi đâu được”.
Từ câu chuyện này, các chuyên gia đã chỉ ra ngành vận tải sẽ trở nên "mong manh" thế nào nếu chỉ cần dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn tại một số cảng biển nữa. Ngoài ra, chỉ cần thêm vài tác động như việc kiểm soát chặt chẽ biên giới, thời tiết cực đoan, hoặc một sự cố như khi kênh đào Suez bị tắc nghẽn hồi tháng 3/2021, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ.
Thiếu điều kiện để hoạt động (container, hàng hóa, hạn chế di chuyển), kết hợp với nhu cầu gia tăng vì mua sắm trực tuyến và một số nền kinh tế tiên tiến phục hồi, các nhà vận tải "quay cuồng" để cung cấp dịch vụ dẫn đến việc chi phí tăng cao.
Chi phí gửi một container 12 m trên tuyến Châu Á đến Bắc Âu gần đây đã lần đầu tiên vượt mức 11.000 USD, tăng từ khoảng 8.500 USD vào giữa tháng 5 và 2.000 USD vào tháng 10/2020, theo Freightos. Điều này cũng góp phần đẩy giá các nguyên vật liệu lên và khiến giá cả hàng hóa tăng. Một số hãng bán lẻ Mỹ đã thông báo tăng giá.
Theo Reuters, lạm phát giá từ nhà máy Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng nhanh hơn so với tháng trước và vượt quá kỳ vọng của thị trường.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn trên đà tăng trưởng hơn 8% trong năm nay nhưng các nhà phân tích cho biết dự báo tăng trưởng sẽ chỉ ở mức trung bình trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị "nghẹt" và bùng phát biến thể Delta của COVID-19.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã tăng 9,0% so với một năm trước, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết hôm 9/8.
Thách thức không chỉ với Trung Quốc
Biến thể Delta đã trở thành thách thức lớn không chỉ với Trung Quốc. Và với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều điểm của mạng lưới cung ứng, bao gồm từ hậu cần, vận tải đến sản xuất, đều đang lao đao.
Một số chuỗi cung ứng từ Việt Nam đến Thái Lan, nơi dịch bệnh đang bùng phát, đã bị gián đoạn. Các nhà máy sản xuất hàng hóa cho Nike và Adidas phải đóng cửa vì các biện pháp hạn chế chống virus lây lan, có khả năng ảnh hưởng đến mùa mua sắm quan trọng vào kì nghỉ lễ. Nếu việc xuất khẩu bị trì hoãn lâu hơn, ảnh hưởng từ châu Á sẽ còn lan ra cả thế giới.
60.000 nhà máy của Thái Lan đang chuẩn bị cho "điều tồi tệ nhất". Nhóm công nghiệp nước này đang giúp thiết lập các kế hoạch dự phòng để cô lập tất cả công nhân khi hoạt động sản xuất có thể trở thành trung tâm bùng phát dịch. Toyota Motor vào đầu tuần này đã gia hạn ngừng hoạt động vô thời hạn 3 nhà máy ở Thái Lan vì tình trạng thiếu các bộ phận do COVID-19.
Đông Nam Á hiện đang nổi lên là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, gần đây vượt qua Mỹ Latinh với tỷ lệ tử vong hàng tuần cao nhất. Tại "tâm chấn" Indonesia, số người chết trong tuần này đã tăng hơn 100.000 người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang chống lại các biện pháp hạn chế di chuyển chặt chẽ hơn có khả năng làm suy giảm thêm nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cảnh báo việc kiểm dịch và hạn chế di chuyển đang gây ra tình trạng thiếu lao động, buộc các công ty phải cắt giảm sản lượng.
Các nhà bán lẻ Mỹ đã cảm nhận được sự gián đoạn này khi lo ngại rằng các kệ hàng của họ có thể không còn đủ hàng cho mùa mua sắm. Steve Lamar, Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ đã đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden “ngay lập tức tăng cường phân phối lượng vaccine dư thừa của Mỹ cho Việt Nam và các quốc gia đối tác chính khác” bao gồm Bangladesh và Indonesia.
Các nhà máy đang bị ảnh hưởng chủ yếu liên quan đến lĩnh vực điện tử, may mặc.
Nhìn chung, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trên toàn thế giới sẽ tiếp tục phải trì hoãn trong phần còn lại của năm, vì lượng tàu chở hàng hạn chế và giá cước vận chuyển cao kỷ lục, các số liệu trong ngành vận tải cho biết. Mạng lưới sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi thiếu hụt nhân lực và phải hoạt động trong đại dịch.
Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings ở Hong Kong, cho biết: “Làn sóng Delta hiện nay ở châu Á có thể làm ảnh hưởng đến các mạng lưới sản xuất hơn nữa. Nguy cơ là các ảnh hưởng đến tăng trưởng sẽ tồn tại lâu hơn". Một số chủ doanh nghiệp vận tải thậm chí đã đẩy thời điểm “trở lại bình thường” sang năm 2022.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()