Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Trung Quốc quản lý trí tuệ nhân tạo theo cách nào?
Thứ 5, 17/08/2023 | 23:18:50 [GMT +7] A A
Trung Quốc chuẩn bị áp dụng quy định mới đối với các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuần này, cố gắng cân bằng giữa kiểm soát và hỗ trợ của nhà nước để không cản trở cạnh tranh.
Chính phủ Trung Quốc ban hành 24 hướng dẫn, yêu cầu nhà cung cấp nền tảng phải đăng ký dịch vụ và tiến hành đánh giá an ninh trước khi đưa ra thị trường. 7 cơ quan sẽ chịu trách nhiệm giám sát, trong đó có Cơ quan quản lý không gian mạng (CAC) và Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia.
Quy định cho thấy Trung Quốc đang muốn đặt AI – công nghệ hứa hẹn nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất trong 30 năm qua – vào vòng kiểm soát. Quan điểm này khá giống với châu Âu nhưng lại đối lập với Mỹ, vốn chưa cân nhắc nghiêm túc ngay cả khi nhiều lãnh đạo ngành đã cảnh báo nguy cơ của AI.
Matt Sheehan, thành viên tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, người đang soạn một loạt nghiên cứu về chủ đề AI, nhận xét Trung Quốc đã khởi động rất nhanh chóng. Họ bắt đầu từ xây dựng công cụ và cơ chế nên sẽ sẵn sàng quản lý các ứng dụng phức tạp của công nghệ. Chúng bao gồm những biện pháp thực tiễn có thể áp dụng tại quốc gia khác.
Chẳng hạn, Bắc Kinh bắt buộc dán nhãn trên nội dung do AI tạo ra như ảnh, video; hay yêu cầu mọi công ty phải dùng “dữ liệu hợp pháp” để đào tạo mô hình AI và tiết lộ dữ liệu đó cho nhà chức trách nếu cần. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước phải cung cấp cơ chế rõ ràng để xử lý khiếu nại của công chúng về một dịch vụ, nội dung nào đó.
Theo Andy Chun, chuyên gia AI và giáo sư trợ giảng tại Đại học Hồng Kông, dù cách tiếp cận “rảnh tay” của Mỹ đã giúp các hãng công nghệ Silicon Valley có không gian phát triển thành gã khổng lồ, chiến lược này chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng đối với AI tạo sinh. Ông cho biết AI có tiềm năng thay đổi sâu sắc cách mọi người làm việc, sống và giải trí theo những cách chúng ta chỉ vừa mới nhận ra. Nó cũng đặt ra rủi ro và đe dọa rõ ràng với loài người nếu phát triển AI thiếu giám sát.
Tại Mỹ, nhà lập pháp liên bang đề xuất một loạt các quy định về AI nhưng nỗ lực của họ mới ở bước đầu. Thượng viện Mỹ tổ chức một số cuộc họp trong mùa hè 2023 để giúp các thành viên nhận thức về công nghệ, rủi ro trước khi theo đuổi quy định.
Tháng 6/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự thảo Đạo luật AI, áp đặt yêu cầu bảo vệ và minh bạch mới dành cho hệ thống AI. Nghị viện, các quốc gia thành viên và Ủy ban Châu Âu phải đàm phán điều khoản cuối cùng trước khi dự thảo trở thành luật.
Bắc Kinh đã dành nhiều năm để đặt nền móng cho các quy tắc AI. Hội đồng Nhà nước giới thiệu lộ trình AI năm 2017, ưu tiên phát triển công nghệ và đưa ra khung thời gian cho các quy định của chính phủ. Các cơ quan như CAC sau đó tư vấn với học giả và các công ty trong ngành để có thể cân bằng giữa quy định và đổi mới.
Theo You Chuanman, Giám đốc Trung tâm quy định và quản trị toàn cầu của Viện các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), sáng kiến của Bắc Kinh được thúc đẩy một phần nhờ tầm quan trọng chiến lược của AI và khao khát đạt lợi thế so với các chính phủ khác.
Bắc Kinh xem AI là một trong các ưu tiên công nghệ và sau hai năm trấn áp, chính phủ đã tìm đến khu vực tư nhân để giúp vực dậy nền kinh tế đang suy yếu và cạnh tranh với Mỹ. Sau khi ChatGPT gây cơn sốt trên toàn cầu, hàng tỷ USD đã được bơm vào lĩnh vực AI.
Alibaba, Baidu, SenseTime đều đã giới thiệu mô hình AI trong năm nay. Xu Li, CEO SenseTime, công bố chatbot có thể viết code từ lời nhắc tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Dù vậy, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang đi sau doanh nghiệp phương Tây như OpenAI và Google. Họ phải vật lộn để thách thức đối thủ, đặc biệt khi công ty Mỹ không bị ai kiểm soát ngoài chính họ.
Theo Helen Toner, Giám đốc Trung tâm bảo mật và công nghệ mới nổi Georgetown, Trung Quốc đang cố “đi trên dây” để cân bằng giữa các mục tiêu như hỗ trợ hệ sinh thái AI, duy trì kiểm soát xã hội và kiểm duyệt, điều khiển môi trường thông tin trong nước.
Tại Mỹ, OpenAI cho thấy không bị kiểm soát nhiều về thông tin ngay cả khi nó nguy hiểm hay không chính xác. ChatGPT đã tạo ra các tiền lệ pháp lý giả mạo và hướng dẫn chế tạo bom cho công chúng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, doanh nghiệp phải thận trọng hơn. Hồi tháng 2, Yuanyu Intelligence phải tạm dừng dịch vụ ChatYuan chỉ sau vài ngày ra mắt vì một bình luận về cuộc chiến Nga – Ukraine. Startup giờ đây đã bỏ hoàn toàn để tập trung vào dịch vụ giúp tăng năng suất làm việc KnowX.
Aynne Kokas, phó giáo sư nghiên cứu truyền thông Đại học Virginia, chỉ ra, tại Mỹ, Big Tech thuê “đội quân” luật sư và vận động hành lang để phản đối gần như mọi hành động pháp lý. Vì vậy, rất khó để đưa ra quy định AI có hiệu quả.
Tại châu Âu, dự luật bảo đảm kiểm soát quyền riêng tư và hạn chế việc sử dụng phần mềm nhận diện gương mặt, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện phân tích rủi ro của dịch vụ với hệ thống y tế hoặc an ninh quốc gia. Dù vậy, cách tiếp cận của EU cũng vấp phải phản đối. OpenAI dọa có thể “ngừng hoạt động” tại những nước áp đặt quy định quá nặng nề.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()