Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:49 (GMT +7)
Trung Quốc: Người dân tăng cường tích trữ phòng dịch, 'phương thuốc truyền miệng' cũng cháy hàng
Thứ 6, 23/12/2022 | 07:32:33 [GMT +7] A A
Sau khi nới lỏng các hạn chế phòng dịch, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, Trung Quốc đại lục rơi vào tình trạng thiếu thuốc khi người dân “đua nhau” mua tích trữ thuốc cảm cúm và giảm đau. Diễn biến này còn gây ảnh hưởng đến cả Hong Kong, Macao và Đài Loan.
Nhiều hiệu thuốc và trang bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc ghi nhận tình trạng “cháy hàng” thuốc cảm cúm. Trên Alibaba, nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, giá paracetamol thông thường đã tăng gấp 10 lần trong tuần qua, lên mức 149 nhân dân tệ cho 20 viên. Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin rằng công ty dược phẩm thuộc sở hữu của chính phủ Sinopharm đã tăng gấp ba lần công suất sản xuất hàng ngày đối với các loại thuốc chính do nhu cầu tăng mạnh thuốc điều trị các triệu chứng sốt và ho.
Ngay cả những “phương thuốc truyền miệng” như đào đóng hộp cũng cháy hàng khi người dân tìm cách chống chọi với COVID-19. Nhiều nơi tại Trung Quốc coi đào đóng hộp là vô cùng dinh dưỡng. Tờ The People’s Daily vào ngày 11/12 đã phải đăng lên mạng xã hội Weibo khuyến cáo người dân không nên tích trữ đào đóng hộp và chúng “không có tác dụng giảm bớt triệu chứng bệnh”.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 22/12 đưa tin việc tích trữ thuốc tại Trung Quốc đại lục khiến các loại thuốc gốc Tylenol và Advil cháy hàng tại Hong Kong, Macao, Đài Loan và thậm chí cả Australia. Điều này khiến các hiệu thuốc địa phương phải hạn chế lượng bán.
Người đứng đầu lĩnh vực y tế tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng đề nghị người dân không tích trữ thuốc trị cảm cúm. CNN dẫn lời một người bán thuốc tại Hong Kong có tên Simon cho biết nhiều khách hàng đến mua thuốc theo số lượng lớn để gửi về cho bạn bè người thân họ ở Trung Quốc đại lục.
Tờ Exmoo News đưa tin Macao yêu cầu các hiệu thuốc đặt giới hạn bán với thuốc giảm đau, thuốc giảm sốt và bộ xét nghiệm nhanh COVID-19. Lệnh được đưa ra sau khi người dân Macao than phiền về việc khan hiếm thuốc trị cúm và cảm lạnh.
Phóng viên của CNN đã đến nhiều hiệu thuốc tại các địa điểm ở Đài Bắc tối 20/12 và không thể mua nổi một hộp thuốc Panadol. Người trợ lý tên Lin tại hiệu thuốc Kawaki ở trung tâm Đài Bắc cho biết nhu cầu Panadol đã tăng vọt trong 2 tuần qua.
Dược sĩ I Li-chen tại Đài Bắc cho biết gần đây rất nhiều khách hàng đến hiệu thuốc của bà hỏi về thuốc Panadol. Theo bà, các khách hàng đến tìm mua Panadol để gửi cho họ hàng ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, ABC News đưa tin nhiều người gốc Hoa sinh sống tại Australia đã mua thuốc cảm cúm và cảm lạnh rồi gửi về cho người thân tại Trung Quốc.
Ngày 12/12, chính quyền thành phố Bắc Kinh khuyến cáo người dân không dự trữ thuốc nếu không có triệu chứng. Cơ quan quản lý dược phẩm và các cơ quan chức năng đã phối hợp với 5 doanh nghiệp chuyên cung cấp dược phẩm lớn ở Bắc Kinh nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu thuốc và thiết bị, vật tư y tế.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, nước này đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất cũng như cấp, phát các loại thuốc chính để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Các nhà thuốc lớn sẽ phát triển dịch vụ trên nền tảng trực tuyến để đảm bảo chuyển thuốc kịp thời cho bệnh nhân.
Tình trạng thiếu thuốc cũng đang xảy ra tại Mỹ và Canada. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), nước này đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc giảm đau và hạ sốt, đặc biệt là loại dành cho trẻ em, bởi mùa cúm diễn ra sớm hơn mọi năm, kèm theo đó là tình trạng gia tăng các bệnh hô hấp ở trẻ em, dẫn đên tăng nhu cầu thuốc hạ sốt và một số sản phẩm thuốc không cần kê đơn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/12 tuyên bố sẽ xả thuốc cảm cúm kê đơn từ kho dự trữ chiến lược quốc gia cho các tiểu bang. Theo đó, các tiểu bang có thể đề nghị Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cung cấp thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden không tiết lộ số lượng thuốc được “xả kho”. Tamiflu được kê để trị cảm cúm cho bệnh nhi từ trên 2 tuần tuổi.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()