Gui Haichao dự kiến cất cánh cùng hai phi hành gia Jing Haipeng, Zhu Yangzhu của tàu Thần Châu 16 lúc 9h31 ngày 30/5 theo giờ Bắc Kinh (8h31 ngày 30/5 theo giờ Hà Nội) từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, tây bắc Trung Quốc. Trước đó, toàn bộ phi hành gia Trung Quốc bay lên không gian đều thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Gui Haichao phụ trách các thí nghiệm khoa học trên trạm vũ trụ Thiên Cung trong suốt nhiệm vụ, theo Lin Xiqiang, phát ngôn viên của Cơ quan Vũ trụ có Người lái Trung Quốc (CMSA). Ông sẽ tiến hành những thí nghiệm quy mô lớn trên quỹ đạo, giúp nghiên cứu các hiện tượng lượng tử mới, các hệ thống tần số không - thời gian có độ chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc sự sống.
Nhà phân tích Chen Lan nhận định, sự tham gia của Gui đặc biệt quan trọng vì các nhiệm vụ trước đây chỉ gồm những phi hành gia được đào tạo thành phi công và phụ trách công việc mang tính kỹ thuật nhiều hơn, không phải nhà khoa học chuyên môn. "Điều này đồng nghĩa, từ nhiệm vụ này trở đi, Trung Quốc sẽ mở cánh cửa vào không gian cho những người bình thường", ông nói.
Chỉ huy của tàu Thần Châu 16 là Jing Haipeng, người sắp thực hiện nhiệm vụ không gian thứ 4. Thành viên cuối cùng của phi hành đoàn là kỹ sư Zhu Yangzhu. Jing, Gui và Zhu dự kiến làm việc trên trạm Thiên Cung khoảng 5 tháng.
Trạm Thiên Cung dự kiến hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất thấp, ở độ cao từ 400 - 450 km, ít nhất 10 năm. Trạm do các phi hành đoàn 3 người luân phiên điều hành. Cấu trúc chính hình chữ T của trạm hoàn thành vào năm 2022. Trước đó, năm 2011, Trung Quốc bị loại khỏi chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khi Mỹ cấm NASA hợp tác với nước này.
Trung Quốc không có kế hoạch sử dụng Thiên Cung cho sự hợp tác toàn cầu với quy mô như trạm ISS, nhưng vẫn sẵn sàng hợp tác với nước ngoài. "Trung Quốc mong đợi và hoan nghênh phi hành gia nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ bay lên trạm vũ trụ của đất nước", Lin cho biết.
Ý kiến ()