Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những rào cản chưa từng có. Nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD này đang giảm tốc. Người tiêu dùng ngại chi tiêu. Xuất khẩu đi xuống. Giá cả giảm và hơn 20% người trẻ đang thất nghiệp. Country Garden - hãng bất động sản tư nhân lớn nhất nước với 3.000 dự án đang nguy cơ vỡ nợ.
Vài tháng gần đây, giới chức Trung Quốc đưa ra hàng loạt tuyên bố. Tất cả đều tập trung vào thúc đẩy thị trường chứng khoán, khuyến khích mua hàng tiêu dùng, mua xe và thúc giục các công ty tư nhân tăng đầu tư.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa tung kích thích tài khóa và tiền tệ mạnh như trước đây. Các lãnh đạo Trung Quốc vẫn lưỡng lự với các biện pháp như phát tiền cho người dân - chính sách đã giúp kinh tế Mỹ và nhiều nước khác phục hồi sau đại dịch. Việc các chính quyền địa phương nặng nợ cũng khiến họ không còn dư địa tài khóa để chi tiêu mạnh tay.
Theo Bloomberg, dưới đây là các biện pháp Trung Quốc đã công bố gần đây để vực dậy nền kinh tế:
Thị trường tài chính
Trung Quốc đã giảm 50% thuế chuyển nhượng với giao dịch cổ phiếu, bắt đầu từ ngày 28/8. Đây là lần đầu tiên họ giảm thuế này kể từ năm 2008. Động thái này nhằm củng cố thị trường chứng khoán trong giai đoạn bị bán tháo.
Giới chức chứng khoán Trung Quốc cũng cam kết giảm tốc độ IPO và hạn chế quy mô, tần suất phát hành thêm cổ phiếu của các công ty có kết quả kinh doanh nghèo nàn. Đầu tháng 8, giới chức cũng yêu cầu một số quỹ đầu tư không bán ròng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, để ngăn đà giảm của nội tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hành động nhanh trong vài tuần qua. Họ thiết lập lại tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực bán USD.
Những động thái trên được đưa ra sau một cuộc họp tháng 7 của giới chức Trung Quốc. Trong đó, các lãnh đạo cam kết "làm sôi động thị trường vốn" và "giữ giá nhân dân tệ ổn định ở mức cân bằng".
Lãi suất
Hôm 15/8, PBOC hạ lãi suất mạnh tay nhất kể từ năm 2020. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai của họ trong năm nay. Động thái này được đưa ra sau khi số liệu tháng 7 cho thấy tăng trưởng tiêu dùng yếu, đầu tư giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Một số nhà kinh tế học hoan nghênh động thái cắt giảm. Họ cho rằng việc này sẽ tạo tiền đề cho nhiều đợt kích thích tài khóa nữa.
Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc sau đó vẫn giữ nguyên loại lãi suất dùng để tham chiếu cho lãi vay mua nhà. Việc này cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan mà Bắc Kinh đang đối mặt, khi vừa phải tăng cho vay bằng cách giảm lãi suất, vừa phải duy trì ổn định tài chính.
Bất động sản
Cũng trong cuộc họp tháng 7, giới chức Trung Quốc ra tín hiệu nới lỏng chính sách với thị trường bất động sản. Dù vậy, giới quan sát cho rằng một số chính sách mạnh tay áp dụng trong vài năm gần đây để kiềm chế thị trường bất động sản vẫn sẽ được duy trì.
Ngày 25/8, giới chức Trung Quốc đề xuất các lãnh đạo địa phương bỏ quy định không cho phép người từng mua nhà trả góp được coi là mua nhà lần đầu tại các thành phố lớn. Các nhà kinh tế học cho rằng mức độ hiệu quả sẽ tùy thuộc vào việc liệu quận trung tâm ở các thành phố hàng đầu có áp dụng chính sách này hay không.
Trong một cuộc họp chính phủ cuối tháng 7, giới chức Trung Quốc kêu gọi các thành phố đưa ra biện pháp nhằm "khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh" theo nhu cầu. Họ cũng thúc giục tăng nghiên cứu và xây dựng các mô hình công nghiệp mới.
Hôm 10/7, Bắc Kinh cũng gia hạn thời gian trả nợ cho các hãng địa ốc, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao các dự án. PBOC còn kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất với các khoản vay mua nhà hiện tại.
Hàng tiêu dùng
Ngày 18/7, hơn 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng, từ đồ điện gia dụng đến nội thất. Giới chức địa phương được khuyến khích giúp người dân cải tạo nhà. Người dân cũng sẽ được hỗ trợ tín dụng để mua đồ đạc.
Ngày 28/7, họ tiếp tục đưa ra kế hoạch nhằm tăng sản xuất hàng tiêu dùng nhỏ - chiếm 25% xuất khẩu của Trung Quốc. Các chính sách gồm tăng bán sản phẩm xanh và sản phẩm phục vụ nhà thông minh tại vùng nông thôn, đồng thời mở rộng sản phẩm dùng pin như xe điện. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được tiếp cận vốn tốt hơn. Nhiều lễ hội ẩm thực cũng sẽ được tổ chức.
Xe hơi
Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) hôm 21/7 công bố kế hoạch 10 bước nhằm tăng mua xe hơi, đặc biệt là xe sử dụng công nghệ mới, đồng thời giảm giá việc sạc điện và gia hạn giảm thuế. Tháng trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc mở chiến dịch 6 tháng nhằm tăng doanh số bán xe và phổ cập xe điện ở vùng nông thôn.
Doanh nghiệp tư nhân
Đầu tháng này, NDRC cho biết sẽ thúc đẩy cơ chế nhằm ghi lại và giảm các hành động không đúng mực của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, như chậm thanh toán hay vi phạm hợp đồng thu mua, đấu thầu. Động thái này nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân.
NDRC cũng cam kết tăng cho vay và gia hạn các chính sách hỗ trợ vốn khác với doanh nghiệp nhỏ. Họ khuyến khích các công ty rót vốn vào ngành công nghiệp chủ chốt như giao thông, nước, năng lượng sạch, sản xuất tiên tiến và thiết bị nông nghiệp hiện đại.
Các chính quyền địa phương đã đưa ra danh sách hơn 2.900 dự án, tổng trị giá 3.200 tỷ nhân dân tệ (445 tỷ USD) mà các doanh nghiệp có thể đầu tư.
Công nghệ
Giới chức quản lý Internet của Trung Quốc tháng này đã gặp lãnh đạo hàng chục công ty ngoại, từ Walmart đến PayPal, để thảo luận về quy định bảo mật dữ liệu mới. Việc này sẽ trấn an các công ty đa quốc gia về hoạt động của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cuối tháng 7, chính phủ Trung Quốc cũng ra thông báo về việc cải thiện điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân sau 2 năm siết kiểm soát. Giới chức cam kết đối xử với doanh nghiệp tư nhân như doanh nghiệp nhà nước, sẽ tham vấn ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp khi đưa ra chính sách mới, đồng thời giảm rào cản cho các công ty mới.
Giới chức Trung Quốc còn nới lỏng quy định với các dịch vụ như ChatGPT, đồng thời yêu cầu các ngân hàng tăng hỗ trợ cho các thương vụ mua lại liên quan đến công nghệ.
Ý kiến ()