Vào ban ngày các ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, công nhân tại một nhà máy sản xuất sản phẩm phần cứng ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, có thể nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ca làm việc ban đêm.
Nhà máy được phép hoạt động vào buổi tối các ngày thứ Hai và thứ Năm, theo yêu cầu của chính quyền địa phương về việc cắt giảm mức tiêu thụ điện cao điểm để ưu tiên sử dụng ngoài giờ cao điểm.
Theo Tân Hoa xã, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ đại dịch và mùa hè sắp tới đã khiến việc sử dụng điện ở Trung Quốc tăng đột biến, thúc đẩy chính quyền các tỉnh đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo cung cấp điện cho quốc gia rộng lớn 1,4 tỉ dân này.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) - công ty cung cấp điện cho 5 tỉnh phía nam Trung Quốc - tính đến ngày 21.5, phụ tải tối đa của toàn mạng lưới đạt 198,6 triệu kW, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất phát điện và tiếp nhận lũy kế là 473,6 tỉ kWh, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc (SGCC) - đơn vị cung cấp điện cho các khu vực khác của Trung Quốc - cho thấy mức tiêu thụ điện của 27 lưới điện cấp tỉnh tăng mạnh từ tháng 1 đến tháng 4, tổng cộng lên tới 2019 tỉ kWh, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi là động lực hàng đầu của nhu cầu điện.
Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Đông - tỉnh có mức tiêu thụ điện năng cao nhất ở Trung Quốc - giá trị gia tăng của ngành điện tỉnh đã tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 4.
Nhiệt độ tăng cao cũng đang gây căng thẳng cho lưới điện. Tại Quảng Đông, nhiệt độ đạt 35 độ C vào đầu tháng 5, cao hơn 4 độ so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm đã được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh. Hơn 6.500 người sử dụng dịch vụ tiện ích ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc được yêu cầu tuân theo các thỏa thuận tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm, dự kiến giảm tải 11,5 triệu kW trong giờ cao điểm. Tại Quảng Đông, 21 thành phố đã công bố kế hoạch tiêu thụ điện có trật tự vào cuối tháng 4.
CSG đang xây dựng một hệ thống điện dựa trên dữ liệu, kết nối thông tin về cung cấp điện, lưới điện, tải và lưu trữ điện để tạo ra nguồn điện có hiệu quả cao và có thể kiểm soát cũng như mức tiêu thụ điện năng có thể điều chỉnh và hiệu quả - Rao Hong, kỹ thuật viên trưởng của CSG, cho biết.
"Nói một cách dễ hiểu, chúng tôi đang làm cho lưới điện trở nên thông minh hơn" - Rao nói.
Trong khi đó, Trung Quốc đang mở rộng nguồn cung cấp điện với tốc độ nhanh. CSG đã bố trí một số nhà máy thủy điện ở miền Nam hoạt động hết công suất từ ngày 1 đến 21.5, phát thêm 120 triệu kWh.
Tại thành phố Phúc Thanh ở tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc, tổ máy hạt nhân số 5 sử dụng Hualong One - lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba được thiết kế trong nước, đã đi vào hoạt động vào cuối năm ngoái.
Tính đến tháng 11.2020, 47 tổ máy điện hạt nhân đã được xây dựng ở Trung Quốc đại lục, với 16 tổ máy khác đã được phê duyệt đang được xây dựng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có số lượng tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng lớn nhất trên toàn thế giới.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh nước này đang chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Nước này thông báo sẽ phấn đấu giảm tối đa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Trong 4 tháng đầu năm, công suất của các trang trại điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc lần lượt đạt 290 triệu kW và 260 triệu kW, tăng 34,6% và 24,3% - theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.
Ý kiến ()