Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 22:08 (GMT +7)
Trung Quốc có thể là nước đầu tiên khống chế được làn sóng dịch do biến chủng Delta
Thứ 3, 24/08/2021 | 11:55:34 [GMT +7] A A
Trung Quốc đang khống chế hiệu quả làn sóng dịch do biến thể Delta, vốn đã lây lan ra hơn một nửa số tỉnh của nước này hồi tháng 7.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào tại địa phương hôm 23/8, và đây là lần đầu tiên như vậy kể từ tháng 7 khi làn sóng dịch do biến thể Delta bùng phát.
Trung Quốc đã phải vật lộn với sự lây lan của biến thể Delta nguy hiểm kể từ ngày 20/7, khi một ổ dịch được phát hiện trong các nhân viên vệ sinh sân bay ở thành phố Nam Kinh, miền đông nước này.
Kể từ đó, ổ dịch đã trở thành một đợt bùng phát tồi tệ nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ năm 2000, lan ra hơn một nửa trong tổng số 31 tỉnh của đất nước và lây nhiễm cho trên 1.200 người. Đợt gia tăng ca nhiễm do biến thể Delta được cho là thách thức lớn nhất đối với chính sách “zero COVID” của Trung Quốc.
Chính quyền địa phương đã phản ứng bằng cách áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt với hàng chục triệu cư dân, thực hiện các chiến dịch xét nghiệm và truy vết quy mô lớn cũng như hạn chế đi lại trong nước.
Các biện pháp nghiêm ngặt dường như đã phát huy tác dụng. Số ca lây nhiễm hàng ngày đã giảm đều đặn trong tuần qua trong mức một con số, so với mức hơn 100 ca hai tuần trước.
Hôm 23/8, Trung Quốc ghi nhận 21 ca nhiễm nhập cảnh và không có trường hợp mới nào lây nhiễm trong nước. Đây là lần đầu tiên nước này không ghi nhận ca nhiễm trong nước kể từ ngày 16/7. Trung Quốc báo cáo riêng rẽ số lượng các ca nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng trong số liệu tổng hợp các ca nhiễm được xác nhận.
Nếu xu hướng này tiếp tục, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm soát được một đợt bùng dịch lớn do biến thể Delta.
Chiến lược “Zero COVID”
Trung Quốc là một trong số các quốc gia, bao gồm Singapore, Australia và New Zealand, thực hiện chiến lược “Zero COVID”, tức là tìm cách phát hiện và loại bỏ hoàn toàn COVID-19 bên trong đường biên giới của họ.
Các nhà chức trách đã đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài, áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt với người đến, đồng thời thực hiện những đợt phong toả, kết hợp với chiến dịch xét nghiệm và truy vết tích cực để loại bỏ bất kỳ ca nhiễm nào lọt qua “hàng phòng thủ”.
Trong hơn một năm qua, các biện pháp này phần lớn đã thành công trong việc duy trì các ca nhiễm gần như bằng 0.
Tuy nhiên, những đợt bùng phát mới do biến thể Delta đang khiến một số quốc gia phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ.
Tại Australia, một số thành phố lớn, bao gồm Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra, đã bị phong tỏa nhiều tuần, nhưng các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Hôm 21/8, quốc gia này đã ghi nhận ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi hàng nghìn người đã xuống đường để phản đối tình trạng đóng cửa kéo dài.
Trong một bài phát biểu đăng trên phương tiện truyền thông Australia hôm 22/8, Thủ tướng Scott Morrison đã ám chỉ việc chấm dứt các hạn chế “Zero COVID”, nói rằng việc đóng cửa là “cần thiết lúc này” nhưng "sẽ không cần thiết trong thời gian quá dài”. Ông Morrison cho biết chính phủ Australia dự định chuyển trọng tâm từ việc giảm số ca bệnh sang rà soát xem có bao nhiêu người bị bệnh nặng do COVID-19 và cần nhập viện.
Singapore cũng vậy, đảo quốc này đã vạch ra một lộ trình để chuyển sang một "cuộc sống bình thường mới" với COVID-19.
Trong khi đó, Trung Quốc dường như kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận "Zero COVID". Hôm 23/8, Đài truyền hình trung ương CCTV đã đưa ra cảnh báo rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và mọi người không nên bất cẩn trong việc phòng chống dịch.
Nước này cũng tiếp tục tăng cường tiêm chủng. Theo NHC, tính đến 22/8, Trung Quốc đã cung cấp hơn 1,94 tỷ liều vaccine COVID-19 sản xuất trong nước. Trung Quốc đạt tỷ lệ, hơn 135 liều vaccine đã được tiêm/100 dân, cao hơn tỉ lệ của Anh và Mỹ.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()