Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 26/8 ra một tuyên bố lên án cái gọi là văn hóa "996", làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần, được cho là đang rất phổ biến ở các công ty công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân khác của nước này.
"Gần đây, tình trạng làm thêm giờ quá mức trong một số ngành công nghiệp đang được quan tâm rộng rãi", Tòa án Tối cao viết trong văn bản gửi Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc. Người lao động xứng đáng được hưởng các quyền lợi "nghỉ ngơi và đi nghỉ mát", đồng thời việc "tuân thủ hệ thống giờ làm việc quốc gia là nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động".
Tòa án Tối cao dẫn chứng một số ví dụ về các công ty trong hàng loạt ngành nghề mà theo họ là đã vi phạm các quy tắc lao động, bao gồm một công ty chuyển phát nhanh giấu tên được cho là đã yêu cầu nhân viên làm việc theo guồng "996".
Yêu cầu nhân viên làm việc nhiều như vậy "vi phạm nghiêm trọng quy định về việc nâng giới hạn giờ làm và nên bị coi là không hợp lệ", tuyên bố có đoạn.
Phản ứng dữ dội của công chúng về văn hóa làm việc quá mức ở Trung Quốc không phải điều quá mới mẻ. Ví dụ Jack Ma, nhà đồng sáng lập công ty Alibaba, hai năm trước từng bị chỉ trích nặng nề sau khi gọi văn hóa "996" là một "phước lành lớn". Luật lao động Trung Quốc cũng cấm nhân viên làm việc lâu như vậy.
"Không có gì sai khi ủng hộ làm việc chăm chỉ nhưng nó không thể là lá chắn để người sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm pháp lý của họ", văn bản từ Tóa án Tối cao nhấn mạnh.
Những người trẻ tuổi Trung Quốc giờ đây cũng bắt đầu từ chối văn hóa làm việc cường độ cao bằng cách thúc đẩy cái gọi là văn hóa "nằm thẳng". Triết lý này kêu gọi mọi người không quan tâm đến những áp lực xã hội khiến họ phải làm việc chăm chỉ, kết hôn, sinh con hay mua nhà.
Ý kiến ()