Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)
Trung Đông đối diện nguy cơ đứt gãy cung ứng lương thực do xung đột Nga-Ukraine
Thứ 4, 02/03/2022 | 16:52:36 [GMT +7] A A
Trong ngắn hạn, các nước thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ gặp khó khăn về nguồn cung lương thực, do phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine.
Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu lúa Mỳ chủ chốt của thế giới. Nên khi hai nước này bị cuốn vào một cuộc xung đột, các nước thuộc khu vực Trung Đông- Bắc Phi (MENA) sẽ gặp khó khăn về tiếp cận nguồn cung. Nga hiện đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu và thứ ba thế giới về sản xuất lúa Mỳ. Trong khi Ukraine cũng đứng ở vị trí thứ ba thế về xuất khẩu mặt hàng này.
“Mùa thu hoạch lúa mỳ bắt đầu vào tháng 7. Năm nay, sản lượng hứa hẹn sẽ tích cực, đồng nghĩa với việc nguồn cung lúa mỳ dồi dào trên thị trường toàn cầu xét trong điều kiện bình thường. Nhưng cuộc chiến kéo dài ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến thu hoạch sản lượng tại nước này và vì thế tác động đến nguồn cung” Karabekir Akkoyunlu, học giả chuyên về chính trị Trung Đông tại Đại học London nhận định.
Ngoài ra, việc Mỹ và phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT được dự báo cũng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Nga, trong đó có mặt hàng lúa Mỳ. Theo ông Akkoyunlu, ở thời điểm khủng hoảng lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa lắng dịu, xung đột Nga-Ukraine lại tạo thêm mối quan ngại thực sự và đó là nhân tố đẩy giá lương thực lên mức kỉ lục như hiện nay.
Giá tăng và nguồn cung thiếu hụt đang là thực tế trên thị trường lúa mỳ ở khu vực MENA. Tự chủ được khoảng 50% nhu cầu lúa mỳ trong nước, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu mặt hàng này, với 85% sản lượng nhập khẩu do Nga và Ukraine cung cấp. Nhập khẩu lúa mỳ từ Ukraine đạt mức kỷ lục trong năm 2021.
Chiến sự tại Ukraine kéo dài sẽ khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với một năm tồi tệ hơn, với phần bánh mỳ mua được ít hơn nhưng số tiền phải bỏ ra lại tăng lên, cùng với đó là hóa đơn tiền điện cao kỉ lục do giá năng lượng tăng. Gần đây, cảnh tượng người dân xếp hàng dài để chờ đến lượt mua bánh mỳ trợ giá đã là điều không còn xa lạ ở nhiều quận trung tâm của thành phố Istanbul. Họ sẵn sàng bỏ thời gian để tiết kiệm được vài đồng lira mua bánh mỳ, khi mà lạm phát tăng vọt, còn đồng nội tệ mất giá, giá hàng hóa nhập khẩu tăng, giảm sức mua.
Đó cũng là khó khăn chung của nhiều nước trong khu vực MENA vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lúa mỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tại Ai Cập, 85% nhập lượng lúa mỳ nhập khẩu do Nga và Ukraine cung cấp. Ukraine đáp ứng khoảng 50-60% lúa mỳ nhập khẩu cho Tunisia. Yemen và Libya nhập khẩu lần lượt 22% và 43% tổng lượng lúa mì từ Ukraine. Hai nước này cũng lo ngại thiếu nguồn cung do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Ngoài Ai Cập và Tunisia, Lebanon, Yemen và Sudan cũng đang đứng trước nguy cầu tiêu thụ lúa mỳ tăng vọt với mức giá leo thang. Maroc đang trải quan nạn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, đẩy giá lương thực tăng cao, buộc chính phủ phải thực thi chính sách trợ giá nhập khẩu lương thực. Lúa mì là một trong những mặt hàng cơ bản quan trọng nhất đối với người dân Maroc, do đó nước này cũng đang lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng tới nguồn cung.
Chiến sự Nga-Ukraine vì thế tiềm ẩn nguy cơ làm giảm sản lượng xuất khẩu lúa mỳ từ hai nước này. Và đó sẽ là lúc những nước dễ bị tổn thương ở MENA cảm nhận được tác động thực sự. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung lúa mỳ từ Ukraine đã bị cắt giảm. Quân đội Ukraine đã đình chỉ hoạt động vận tải thương mại tại các cảng của nước này sau khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc và hạt tinh dầu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()