Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:34 (GMT +7)
Trục lợi bảo hiểm xã hội bằng giấy xuất - nhập viện giả mạo
Thứ 3, 15/10/2024 | 10:04:34 [GMT +7] A A
Ngoài việc mua giấy xuất viện để nộp cho cơ quan, đơn vị nhằm hợp thức hóa lý do chậm trễ công việc, loại giấy này còn có nguy cơ được sử dụng với các mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội.
Mua-bán nhan nhản trên mạng xã hội
Theo ghi nhận của PV Lao Động, giấy xuất - nhập viện giả mạo hàng loạt các bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện E... được mua - bán nhan nhản trên mạng xã hội. Đa số những người có nhu cầu mua loại giấy này đều viện dẫn lý do khách quan, không phải bản thân họ mong muốn điều này.
Chị Hoàng Thị Quyên (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi) dễ dàng có được tờ giấy ra viện với chẩn đoán: Xuất huyết dạ dày. Thời gian vào viện lúc 22h ngày 6.9.2024, thời gian ra viện lúc 16h30 phút ngày 13.9.2024. Phương pháp điều trị gồm: Xét nghiệm phân, nội soi có gây mê và điều trị theo phác đồ. Giấy ra viện có dấu đỏ của bệnh viện và chữ ký của bác sĩ chuyên khoa 1 và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Giá của một tờ giấy ra viện này là 280.000 đồng chưa bao gồm phí giao hàng.
Điều đáng nói trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Bệnh viên Bạch Mai khẳng định tất cả các thông tin về nhập viện, điều trị và bác sĩ chuyên khoa xuất hiện trên các giấy ra viện nói trên đều là giả mạo.
Để hiểu rõ cách thức mua bán giấy ra viện, PV Báo Lao Động đã vào vai khách hàng có nhu cầu mua loại giấy này. Liên hệ với một Fanpage trên mạng xã hội Facebook có hàng nghìn thành viên tham gia, PV có được số điện thoại của người bán. Người này đặt nickname "Giấy khám sức khỏe" để chat với PV. Đối phương đề nghị chúng tôi liên lạc qua mạng xã hội Zalo để báo giá và gửi ảnh giấy mẫu.
Theo đó, với loại giấy ra viện - tức là dành cho bệnh nhân điều trị nội trú, người này báo giá 270.000 đồng/tờ đã bao gồm phí ship; đồng thời tiết lộ với PV, đã có nhiều khách hàng mua một loại giấy khác có tên "Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội" - dành cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Giá của loại giấy này là 300.000 đồng/tờ chưa bao gồm phí ship. Khách mua cần cung cấp các thông tin như: Họ tên, số thẻ bảo hiểm y tế/bảo hiểm xã hội; đơn vị làm việc. Với phần chẩn đoán và phương pháp điều trị, nếu khách không có yêu cầu, người bán sẽ giữ nguyên theo mẫu.
Siết chặt kiểm tra giấy tờ
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH TP Hà Nội) cho biết: Khi tiếp nhận hồ sơ nếu phát hiện giấy tờ, chứng từ không khớp với thông tin từ các cơ sở thì đơn vị không chi trả, đồng thời gửi thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan để điều tra, làm rõ.
Cũng theo bà Châu, hiện BHXH TP Hà Nội đã đăng cảnh báo công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị và thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, đơn vị để siết chặt việc kiểm tra với các loại giấy tờ nghỉ việc để hưởng chế độ, tránh tình trạng trục lợi BHXH.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Xuân Lai - Đoàn luật sư TP Hà Nội - nhận định: Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối, lừa đảo đối với tổ chức bảo hiểm nhằm mục đích thu lợi bất chính. Điều này đã được nêu rõ tại Khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Người bán giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện giả sẽ bị xử lý theo tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Đồng thời, người mua giấy giả để thanh toán chế độ ốm đau cũng bị xử lý hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015.
Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp điều tra, khởi tố nhiều nhóm đối lượng liên quan đến việc làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Mới đây nhất, ngày 26.9.2024, Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) thông tin, đơn vị đang hoàn tất kết luận điều tra vụ án Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Công an huyện Gò Dầu đã khởi tố vụ án và khởi tố 5 bị can đều ngụ ở tỉnh Tây Ninh, gồm: Nguyễn Hòa Hận, Bùi Thị Bích Trang (vợ của Hận - 37 tuổi, ngụ thị xã Trảng Bàng), Huỳnh Khải An (25 tuổi, ngụ huyện Châu Thành), Lê Thị Tố Quyên (26 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu) và Phạm Thị Hạnh (33 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu) liên quan đến hành vi làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()