Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:08 (GMT +7)
Trọng tài Việt Nam liên tiếp mắc sai lầm, V-League đau đáu chờ VAR
Thứ 2, 11/07/2022 | 14:34:14 [GMT +7] A A
Vòng 6 V-League chứng kiến thêm sai lầm của các trọng tài và sự thiếu vắng VAR khiến tranh cãi càng dễ nổ ra khi sự cố xuất hiện ở các trận cầu đinh.
"Tôi không bàn đến tính đúng sai của các quyết định đến từ trọng tài, không chỉ ở trận đấu này đâu, mà cả trận khác nữa. Ở một số tình huống, nếu có công nghệ VAR, thì các trọng tài quyết định dễ dàng hơn. Dù có bất lợi thì đội bóng cũng phải chấp nhận thực tế. Còn nếu vẫn sai thì trách nhiệm của các trọng tài dễ được quy kết hơn", một cầu thủ ra sân trong trận đấu giữa Thanh Hoá và Nam Định chia sẻ với VTC News.
Bóng đá Việt Nam chờ VAR
Ở cuộc đọ sức trên sân Thanh Hoá, phút 47, trung vệ Victor Kamhuka bên phía CLB Thanh Hoá phạm lỗi với Nguyễn Đình Sơn của CLB Nam Định ở vị trí khá nhạy cảm, sát vạch 16m50. Ban đầu, trọng tài chính Trần Văn Lập quyết định dành một quả phạt trực tiếp bên ngoài vòng cấm cho đội khách. Nhưng khi tham khảo ý kiến của trợ lý Nguyễn Trung Việt, ông Lập "bẻ còi" và thổi phạt đền cho đội khách.
Theo Trưởng Ban Trọng tài Dương Văn Hiền, tình huống này tổ trọng tài xử lý đúng khi "điểm phạm lỗi cuối cùng" của Victor nằm trong vòng cấm địa. Đây là căn cứ xác định vị trí phạm lỗi nằm trong vòng cấm địa hay không. Trọng tài chính Trần Văn Lập không thể quan sát được vị trí này nên phải tham khảo trợ lý Nguyễn Trung Việt. Nhưng ông Việt quan sát có chính xác bằng mắt thường hay không thì rất khó để khẳng định.
Tương tự như vậy, sai sót của trọng tài Nguyễn Ngọc Châu khi công nhận bàn thắng ghi bàn tay của Nguyễn Xuân Nam ở trận đấu giữa CLB Sài Gòn và CLB Bình Định cũng bởi "góc quan sát". Ban Trọng tài VFF giải thích rằng cả ông Châu và trợ lý không thể quan sát tình huống ở góc thuận lợi nhất vì có "nhiều cầu thủ cũng tranh chấp pha bóng".
Tất nhiên, ông Châu không may mắn như ông Lập và phải nhận án phạt với sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nếu có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), các trọng tài Việt Nam sẽ có thêm căn cứ trước khi đưa ra quyết định của mình.
Để có VAR không dễ
Công ty VPF và Ban tổ chức V-League đều mong chờ công nghệ VAR. Nhưng để đưa VAR về Việt Nam và vận hành công nghệ này luôn là bài toán khó. Chưa bàn về góc độ tài chính, nhân sự để vận hành VAR là điều mà bóng đá Việt Nam không thể đáp ứng ở thời điểm này.
Để FIFA đồng ý áp dụng VAR, Việt Nam cần đảm bảo 100 trọng tài được đi học chuyên sâu. Nhưng không phải cứ đi học là sẽ đạt yêu cầu. Ở khu vực Đông Nam Á, số trọng tài đạt tiêu chuẩn của FIFA để điều hành phòng VAR chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng từng đề cập đến vấn đề này: "Cả Đông Nam Á hiện có rất ít trọng tài được FIFA công nhận về những vấn đề liên quan đến VAR. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt".
Thực tế, VPF vẫn nỗ lực để đưa VAR vào áp dụng tại V-League. Nhưng số tiền để đầu tư lắp đặt VAR quá lớn. Trước mùa giải 2019, phương án sử dụng VAR từng được lên một cách chi tiết. VPF sẽ mua thiết bị vận hành từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, thiết bị được lắp đặt trên các xe lưu động để đến di chuyển linh hoạt đến các sân tuỳ theo lịch thi đấu. Nhưng kể cả có áp dụng phương pháp này, chi phí vẫn rất lớn.
Mỗi trận, VAR sẽ "đốt" khoảng 4 tỉ đồng chi phí vận hành. Chỉ cần áp dụng cho 1-2 trận đấu mỗi vòng, số tiền chi cho cả mùa giải sẽ vọt lên hơn 100 tỉ đồng. Quả thực, VAR là bài toán quá khó để tìm ra lời giải vào lúc này.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()