Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Trồng rừng gỗ quý
Thứ 7, 26/02/2022 | 07:21:33 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn kiên định, quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Song hành với phát triển kinh tế, tỉnh luôn nâng cao công tác bảo vệ môi trường, triển khai những giải pháp thiết thực có hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, công tác trồng cây gây rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Quảng Ninh hiện có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 436.000ha, chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Rừng ở Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đặc biệt là giữ nguồn sinh thủy cho các sông suối, hồ nước. Để đưa ngành lâm nghiệp bền vững, thời gian qua cùng với ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích lâm phát triển lâm nghiệp, tỉnh tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn với các loài cây có giá trị kinh tế cao.
Nổi bật là năm 2019, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Đặc biệt, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp và triển khai thực hiện cho kết quả tích cực.
Như ở TP Hạ Long có tổng số 150.000ha rừng sản xuất. Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, TP Hạ Long đã triển khai đến 12 xã và 4 phường với tổng số 63 cuộc tuyên truyền, vận động trên 1.500 lượt người tham gia. Hết năm 2021, TP Hạ Long đã trồng được 144ha với 64 hộ tham gia. Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ đồng. Năm 2022 này, 113 hộ dân đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn với 238ha tập trung chủ yếu vào các loại cây có giá trị kinh tế cao như: lim, giổi, lát.
Còn tại Ba Chẽ, địa phương có diện tích rừng lớn 2 trong toàn tỉnh, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm bắt, thực hiện chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời xây dựng các mô hình mẫu để nhân dân học tập, làm theo, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng và chuyển từ rừng sản xuất sang rừng trồng gỗ lớn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trồng 1.170ha rừng gỗ lớn trong năm nay. Ba Chẽ đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, giao chỉ tiêu diện tích rừng cho từng cơ quan, đơn vị, ký cam kết thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn năm 2022 với các xã, thị trấn, doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn ở các địa phương trong tỉnh, mùa xuân năm nay, Quảng Ninh đã gắn Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với trồng rừng gỗ lớn. Toàn tỉnh trồng trên 650.000 cây, tập trung vào những cây bản địa như lim, giổi, lát… để phát triển rừng gỗ lớn, có trọng tâm, trọng điểm.
Việc chuyển đổi diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, về lâu dài không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tăng độ che phủ rừng, giữ nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đã nâng lên 55,06%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước. Quảng Ninh cũng đã tiến hành giao cho trên 34 nghìn hộ gia đình với diện tích trên 138.800ha và cho 217 hộ thuê với diện tích là 2.020ha để khuyến khích nhân dân giữ rừng và trồng rừng gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()