Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:33 (GMT +7)
Trồng dược liệu: Hướng phát triển bền vững
Thứ 4, 24/02/2021 | 07:58:10 [GMT +7] A A
Ba Chẽ đã đưa ra kế hoạch trồng mới 517ha cây dược liệu trong giai đoạn 2021-2025. (trong đó ba kích 236ha, trà hoa vàng 230ha, dược liệu khác 51ha). Để đạt được kết quả này, huyện phải cố gắng và có nhiều cách làm hiệu quả.
Nhận thấy thế mạnh về đất lâm nghiệp (gần 55.300ha) chiếm 91% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, Ba Chẽ đã đề cao việc phát triển trồng rừng và trồng cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng. Huyện có nhiều loài dược liệu có giá trị cao như: Ba Kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm... Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà cần phải có sự tái tạo lại từ bàn tay con người.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trồng, bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu là một hướng đi quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, thế mạnh của huyện. Trong đó nhiều xã, thôn trên địa bàn, cây dược liệu thực sự là sản phẩm chủ lực.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh) là người đi đầu trong việc khôi phục và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện. |
Tính đến tháng 12/2020, tổng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện Ba Chẽ là 161,4ha, đạt 33,4% kế hoạch năm 2019-2020. Cụ thể năm 2019, huyện đã trồng 134,1ha dược liệu, trong đó trà hoa vàng 43,7ha, ba kích tím 41,4ha, dược liệu khác 49ha. Năm 2020, huyện đã trồng 27,34ha dược liệu, trong đó, trà hoa vàng 20,2ha, ba kích tím 6,1ha, dược liệu khác 1,0ha. Như thế đến năm 2025, để đạt được con số trồng được 517ha cây dược liệu, sẽ phải là sự cố gắng rất lớn của toàn huyện.
Theo Phòng NN&PTNT huyện thì một trong những khó khăn là chi phí đầu tư ban đầu trồng cây dược liệu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật một cách bài bản, nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư và có tư duy làm ăn kinh tế, số người này thường không nhiều. Thêm nữa, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có 2 công ty và 1 hộ gia đình sản xuất giống dược liệu với công suất khoảng 300.000 cây giống/năm. Trong đó, cây giống trà hoa vàng được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô phải cần từ 2-3 năm mới đủ khả năng để trồng đại trà. Do đó, việc thiếu hụt nguồn giống đang là vấn đề khó khăn trong công tác hình thành vùng nguyên liệu tập trung trong những năm vừa qua, nhưng chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong những năm tiếp theo.
Được biết, để người dân mạnh dạn đầu tư, những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân trong việc trồng và tiêu thụ các sản phẩm của cây dược liệu. Cụ thể, năm 2020, huyện đã hỗ trợ xây dựng 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao tại xã Nam Sơn phục vụ việc mở rộng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện để xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Huyện cũng nỗ lực tìm kiếm, phát triển hệ thống các đơn vị cung cấp, phân phối giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng bộ nhằm phát huy được hết thế mạnh, tiềm năng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh dược liệu. Đa dạng hóa các nguồn giống đảm bảo về chất lượng gồm các giống tự nhiên, tạo giống từ công nghệ sinh học nuôi cấy mô...
Hội Trà hoa vàng lần thứ III, tháng 12/2020 nhằm tôn vinh loài cây dược liệu chủ lực của huyện. |
Song song với việc hỗ trợ người trồng dược liệu, huyện quảng bá về cây dược liệu bằng nhiều hình thức, đưa trà hoa vàng, rượu ba kích... thành các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh, hay các kỳ giới thiệu hàng OCOP ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, để từ đó sản phẩm dược liệu Ba Chẽ đến được với du khách gần xa.
Hàng năm, huyện Ba Chẽ đều mở Hội trà hoa vàng để tôn vinh loài cây dược liệu này. Gần đây nhất cuối tháng 12/2020, huyện Ba Chẽ đã tổ chức Chương trình Hội Trà hoa vàng lần thứ III kết hợp với lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn). Trong Hội Trà hoa vàng, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã công bố về công dụng của các hoạt chất có trong trà hoa vàng qua nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, để từ đó nâng tầm giá trị của trà hoa vàng, tạo niềm tin với người tiêu dùng, giúp cho việc tiêu thụ trà hoa vàng tốt hơn.
Từ sự quan tâm vào cuộc của huyện Ba Chẽ, đã giúp người trồng cây dược liệu trên địa bàn thêm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư vào công việc của mình và Ba Chẽ sẽ đạt được mục tiêu trồng 517ha cây dược liệu vào năm 2025.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()