Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:43 (GMT +7)
Người tiên phong
Thứ 5, 26/01/2023 | 08:07:36 [GMT +7] A A
Đứng trước quả đồi được bao phủ bởi những cây lim xanh, cây giổi xen kẽ cây quế 2 năm tuổi xanh mướt của gia đình anh Nịnh Văn Năm (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ), tôi tưởng tượng ra chỉ vài năm nữa thôi, những cây này sẽ vươn mình, trở thành cánh rừng gỗ lớn, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế lâu dài cho anh, cho con cháu anh Năm.
Theo chân anh Nịnh Văn Năm đi thăm những quả đồi xanh ngút ngàn do gia đình anh trồng, chúng tôi được lắng nghe những thanh âm vui vẻ hòa trong nắng ấm. Đó là tiếng trò chuyện, gọi nhau của những người dân bản địa do anh thuê để bón phân, làm cỏ cho cánh rừng gỗ lớn; là tiếng cuốc rẫy cỏ loạt xoạt, lách cách...
Nghỉ chân bên vạt rừng keo đang bị chặt dang dở để chuẩn bị trồng cây gỗ lớn, anh Năm kể: "Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh rừng. Ngày ấy, rừng nằm quanh nhà, có những cánh rừng gỗ lớn hàng chục năm tuổi phải mất đến nửa ngày đi bộ mới đến nơi, đủ loại cây gỗ quý lim, sến, táu... Thú vui duy nhất của tôi cũng như những đứa trẻ trong thôn chỉ xoay quanh những cánh rừng. Tôi rất thích được tận tay sờ vào từng cây gỗ xù xì, to lớn, vững chãi...".
Thời gian trôi qua, những cánh rừng nguyên sinh giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của người lớn tuổi. Cây gỗ lớn vì thế mà dần dần mất đi. Nhất là từ khi giao đất giao rừng, rừng cây gỗ lớn bị người dân đốn hạ để thay thế bằng các loại cây ngắn ngày như: Keo, sa mộc, bạch đàn…, bởi đây là những cây nhanh được khai thác, vốn đầu tư thấp, ít phải chăm sóc. Chúng cũng có giá trị nhất định mà người dân gọi là "cây xóa đói giảm nghèo", nhưng cũng không thể làm giàu.
Nhận đất trồng rừng từ những năm 1994, nhưng đến nay, gia đình anh Nịnh Văn Năm vẫn chưa đạt được giá trị kinh tế như mong muốn bởi cả 8ha đất rừng ở thôn Khe Lọng Trong anh chủ yếu trồng keo. Năm 2004, anh mua thêm 7,4ha đất rừng tiếp tục trồng keo và sa mộc. Keo và sa mộc trồng sau 6-8 năm được thu hoạch, bán 1ha tiền lãi cũng để ra không được là bao.
Do nhiều năm gắn bó nghề rừng, anh Năm hiểu được giá trị của gỗ lớn, tích được ít vốn, lại được huyện, xã tuyên truyền, vận động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực với người dân làm nghề rừng nên anh Năm mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng gỗ lớn. Năm 2021 gia đình anh đã quyết tâm chuyển đổi hơn 5ha rừng đang trồng keo sang trồng lim xanh và giổi.
Khi biết anh chặt bỏ keo để trồng 5ha lim xanh, giổi, nhiều người bảo anh... hâm. Bởi lẽ mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng vài chục phân, trồng như thế đến bao giờ mới được “hái quả”? Mặc nhiều người dèm pha, anh Năm kiên định quyết tâm trồng rừng gỗ lớn.
Anh tâm sự: Keo, sa mộc là giống cây ngắn ngày, trồng chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt. Tôi trồng rừng gỗ lớn chính là giữ rừng, giữ tương lai, giữ cho đời con, đời cháu. Chuyển đổi từ rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng rừng lại vừa bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường địa phương...
Lim là giống khó trồng, chậm lớn, cây mọc cách xa nhau nên anh Năm chỉ trồng 550 cây/ha. Để phát triển kinh tế, “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng xen cây quế và thử nghiệm trồng cây cát sâm. Anh Năm chia sẻ: Sau 8-12 năm, rừng lim xanh khép tán, khi đó cát sâm và quế được thu hoạch, tiếp tục vụ khác.
Anh Năm nhẩm tính nếu trồng quế, cát sâm sau 10-12 năm cho thu hoạch; cây lim, giổi phải mất 60-70 năm mới có thể cho thu hoạch. Trong thời gian đó anh xen canh được 5-6 vụ quế và cát sâm để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Bên cạnh đó, gia đình anh đang làm thêm gần 1ha vườn ươm giống quế và cát sâm với trên 1 triệu cây giống để phục vụ trồng rừng cho gia đình và người dân trong huyện.
Đến nay, anh Năm đã trồng được gần 7ha cây lim xanh và giổi, trồng xen kẽ được thêm 6ha quế và cát sâm. Hiện anh đang chặt bỏ 0,5ha rừng keo cùng diện tích đất xâm lấn khoảng 1ha được người dân trả lại để chuẩn bị cho vụ trồng lim xanh mới năm 2023. Khi đó diện tích rừng lim xanh của anh là gần 8ha.
Từ những cánh rừng của nhà anh Nịnh Văn Năm trở về, trong tôi ngân lên giai điệu và ca từ rất hay trong một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “…Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương…”. Xa xa phía chân đồi, những cánh hoa đào nở sớm lấp lánh dưới ánh nắng chiều báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến. Và mỗi mùa xuân đến, phong trào trồng các loại cây rừng gỗ lớn, trong đó nổi bật là trồng cây lim xen canh như gia đình anh Năm ngày càng lan tỏa ở Ba Chẽ. Trong tương lai, cuộc sống của người dân nơi đây chắc chắn sẽ đủ đầy hơn, bền vững hơn, thậm chí ngày càng nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số của huyện sẽ trở thành tỷ phú nhờ trồng cây gỗ lớn.
Anh Nịnh Văn Năm, sinh năm 1974, dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, là một trong những người tiên phong trồng rừng gỗ lớn với các loài cây lim, giổi...
|
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()