Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 00:46 (GMT +7)
Trọn đời với nghề mỏ
Thứ 2, 11/11/2024 | 05:30:40 [GMT +7] A A
Bất cứ nghề nào cũng cần một tình yêu để có thể gắn bó, nhưng đối với nghề mỏ, tình yêu đặc biệt hơn hết bởi những khó khăn, vất vả và rủi ro luôn hiện hữu. Với tình yêu đặc biệt đó, những người thợ mỏ Quảng Ninh luôn nỗ lực vượt qua thách thức, chinh phục gương than, tích cực đóng góp cho ngành kinh tế rường cột.
Thợ lò thu nhập cao
Đến Công ty Than Dương Huy, hỏi anh Đào Minh Thời (Phân xưởng Đào lò 1) rất nhiều công nhân, lãnh đạo phân xưởng, lãnh đạo công ty biết đến. Bởi từ một chàng trai quê lúa Thái Bình, vượt qua những gian khó, anh Thời đã trở thành thợ giỏi, có thu nhập cao nhất, nhì đơn vị. Tốt nghiệp cấp 3, giống như nhiều thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Thời lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau gần 3 năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ, anh Thời bén duyên với nghề mỏ. Những năm đầu mới vào nghề, anh Thời gặp không ít khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc khá vất vả, đòi hỏi có sức khỏe, tính kỷ luật cao. Song bằng ý chí vươn lên trong cuộc sống, tinh thần ham học hỏi, tình yêu với nghề, anh Thời quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.
18 năm làm nghề thợ lò, với anh Thời đó là một hành trình gian nan, song cũng rất đáng tự hào. Đã có những giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng rồi anh vẫn vững vàng trụ lại, gắn bó, yêu nghề.
Anh Thời chia sẻ: Quê tôi chỉ có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nên lần đầu xuống lò tôi vô cùng choáng ngợp. Đó là những đường lò rất dài, nhỏ, sâu hun hút, nhiều ngóc ngách hơn so với tưởng tượng của tôi. Khi chúng tôi vào lò có hiểm nguy, gian khó, có cả máu và nước mắt, song chúng tôi vẫn vững bước bởi tin rằng phía trước sẽ có ánh bình minh rực sáng. Thợ đào lò được ví như những người mở đường khai phá các vỉa than phục vụ sản xuất, vì vậy công việc của chúng tôi không chỉ đòi hỏi sự siêng năng, cẩn thận, mà cần phải nắm chắc các kỹ thuật đào lò cơ bản, như khoan nổ mìn, tháo vì cũ, lắp vì mới, các công nghệ đào lò mới như chống neo, vận hành máy khoan, máy xúc. Những công nghệ đào lò này giúp tổ sản xuất cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và tăng năng suất lao động hơn.
Không chỉ siêng năng, cẩn thận, anh Thời còn rất nhanh nhẹn, tự tin, thông minh. Anh nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản như khoan nổ mìn, khao cậy om, tháo vì cũ, lắp vì mới… cho tới công nghệ cao như chống neo, vận hành máy đào lò liên hợp, dây chuyền đào lò bằng xe khoan thủy lực… Trong quá trình làm việc, anh Thời rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm, cũng như mày mò, tìm tòi, nghiên cứu để có cách làm hay hơn, sáng tạo hơn, năng suất cao hơn. Đôi khi đó chỉ là sự thay đổi nhỏ nhưng cũng làm cho công việc thuận lợi hơn. Hòa mình cùng những gương than, anh Thời say sưa với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất, đảm bảo an toàn lao động và được các cấp tuyên dương, khen thưởng.
Ở khai trường sản xuất, công tác an toàn luôn được anh Thời đặt lên hàng đầu, với phương châm “An toàn để sản xuất”. Anh Thời luôn chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy chuẩn, quy định an toàn, đồng thời nhắc nhở anh em trong tổ tuyệt đối không được làm bừa, làm ẩu chạy theo sản lượng.
Có kiến thức về nghề, chịu khó học hỏi, không ngừng rèn luyện kỹ năng trong thực tế sản xuất, nên không khó hiểu khi Đào Minh Thời nhiều năm liền được công nhận là "Thợ giỏi xuất sắc" của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong nhóm nghề đào, chống lò. Đối với anh Thời, danh hiệu "Thợ giỏi xuất sắc" là một vinh dự lớn, sẽ đi theo suốt cuộc đời một người thợ mỏ.
Từ một công nhân trẻ, với nỗ lực không ngừng, anh Thời đã được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao làm gương trưởng, nhóm trưởng và tổ trưởng. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" của công ty và TKV và được các cấp khen thưởng. Anh Thời là một trong số những người có thu nhập cao nhất công ty hiện nay (trên 500 triệu đồng/năm).
Có công việc ổn định, tay nghề giỏi, thu nhập cao, anh Thời đã mua được nhà, đoàn tụ cùng vợ và con để an cư lập nghiệp tại quê hương thứ hai - TP Cẩm Phả.
Dành thanh xuân cho nghề mỏ
Người thợ lò Hoàng Văn Vĩnh (Công trường 2, Công ty 91, Tổng Công ty Đông Bắc) có dáng người tầm thước, nụ cười hiền, thân thiện. Với lối nói chuyện giản dị, mộc mạc, bẽn lẽn của người dân Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), anh Vĩnh kể về câu chuyện nghề của mình: Thời điểm năm 1998, quê tôi nghèo đói vẫn còn bủa vây, vẫn bữa no, bữa đói, phần lớn ăn cơm độn khoai. Quảng Ninh khi ấy nhộn nhịp, sầm uất, người người khắp nơi nô nức kéo về. Tôi theo những người anh trong làng ra Quảng Ninh làm đủ thứ nghề. Năm 2002, cơ duyên đã đưa tôi đến với Công ty 91, rồi may mắn được đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề và ký hợp đồng. Công việc của người thợ lò gói gọn trong 8 chữ “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Thế nhưng, dù vất vả, nhọc nhằn đến đâu thì sau 22 năm gắn bó, công ty đã thực sự trở thành một phần máu thịt của tôi.
Làm việc trong điều kiện phức tạp, hiểm nguy rình rập, anh Vĩnh luôn xác định rõ tư tưởng, nêu cao trách nhiệm, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các công đoạn, quy trình, nguyên tắc bảo đảm an toàn lao động. Anh Vĩnh luôn được giao nhiệm vụ nhóm trưởng trong xử lý các tình huống sự cố mỏ, đặc biệt là các công trình việc khó, phức tạp, trọng điểm của đơn vị.
Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, anh Vĩnh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào giảm thiểu sức lực cho người lao động, giảm tối đa tai nạn có thể xảy ra, tăng năng suất lao động. Do đó, anh chủ động tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp khoa học trong đào lò, chống giữ lò, nhất là khi đường lò gặp vỉa vách phức tạp. Có thể kể đến như: Sáng kiến nghiên cứu áp dụng đào lò song song họng sáo thay thế lò họng sáo trong khai thác lò chợ ZRY tại Công trường 2; sáng kiến khai thác hợp lý hóa lò chợ xiên chéo ZRY mức +260/+320 khu I vỉa 4… đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.
Là thợ bậc cao, song anh Vĩnh vẫn luôn không ngừng học tập nâng cao hiểu biết, tham khảo nhiều tài liệu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, đồng thời, quan tâm giúp đỡ, kèm cặp thợ trẻ, thợ bậc thấp nâng cao hiểu biết và tay nghề. Anh Vĩnh còn tích cực vận động anh em trong tổ thực hiện nghiêm nội quy, quy định của đơn vị, duy trì tuyệt đối an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm đủ và vượt chỉ tiêu được giao hằng tháng. Thu nhập bình quân của anh đạt trên 30 triệu đồng/tháng.
Anh Vĩnh chia sẻ: Làm nghề nào cũng có cái vất vả riêng, song những khó khăn của nghề mỏ khó có thể kể hết. Không chỉ làm việc trong những đường lò, nhiều công nhân mỏ phải xa nhà, xa vợ con, xa gia đình. Nếu không yêu, không gắn bó, không thật sự tâm huyết thì sẽ không thể gắn bó được với nghề. Lao động chính đáng thì nghề nào cũng vinh quang, đặc biệt hơn đối với tôi đó là vinh quang của người thợ mỏ. Nghề mỏ không chỉ cho tôi, mà còn cả gia đình cuộc sống ấm no, đủ đầy, trọn vẹn. Bên cạnh đó, thời gian qua, cán bộ, công nhân mỏ và gia đình thợ mỏ đã luôn nhận được sự quan tâm chăm lo chu đáo của công ty và Tổng Công ty Đông Bắc.
Dành nhiều cống hiến trong công việc, anh Hoàng Văn Vĩnh nhiều năm liền được công nhận là "Chiến sĩ thi đua cơ sở", được các cấp khen thưởng và là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Tuấn, Quản đốc Công trường 2 (Công ty 91) cho biết: Nhiều năm qua anh Vĩnh luôn phát huy tốt vai trò của người thợ bậc cao. Luôn tận tình động viên đồng nghiệp cùng nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ sản xuất than. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến của anh được áp dụng và nhân rộng vào thực tiễn sản xuất của đơn vị, giúp sản lượng khai thác than tăng đáng kể, giảm chi phí và tổn thất than, nâng cao năng suất. Những nỗ lực, cống hiến, hy sinh hết mình của người thợ như anh Vĩnh đã giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chiến lược, bảo đảm nhu cầu an ninh năng lượng của đất nước, góp phần ổn định KT-XH.
Đồng hành cùng sự phát triển của Quảng Ninh và đất nước, ngành sản xuất than trở thành ngành công nghiệp “vẻ vang” cũng bởi trong mỗi giai đoạn phát triển dù thăng hay trầm vẫn luôn luôn có được những thế hệ thợ mỏ xuất sắc, hiểu nghề, giỏi nghề, yêu nghề như anh Thời, anh Vĩnh... Họ đang từng ngày, từng giờ cống hiến cho quê hương Quảng Ninh bởi hầu hết những người thợ đều không chỉ gắn bó tuổi thanh xuân, đời người, mà còn lập gia đình, sinh con, dựng nghiệp trên mảnh đất này. Theo nghề mỏ, nhiều lao động đã thật sự đổi đời, có kinh tế, chăm lo được cho gia đình, xây được nhà mới, sắm sửa nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()