Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:27 (GMT +7)
Dốc lòng "chia lửa" cùng tuyến đầu chống dịch
Thứ 4, 26/05/2021 | 17:17:16 [GMT +7] A A
Với số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục và diễn biến còn phức tạp, Bắc Giang đang trở thành tâm dịch lớn trên toàn quốc. Với mong muốn giúp tỉnh bạn khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng, ngành Y tế Quảng Ninh đã hỗ trợ chi viện nhân lực cho ngành Y tế Bắc Giang. Đến thời điểm này đã tròn 10 ngày, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đoàn thầy thuốc tình nguyện của tỉnh Quảng Ninh tại Bắc Giang vẫn đang nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, "chia lửa" cùng tỉnh bạn trên tuyến đầu chống dịch.
10 ngày chung tay cùng ngành Y tế tỉnh bạn dập dịch, khối lượng công việc lớn, áp lực cao, mỗi ngày làm việc của các y, bác sĩ tại đây có thể kéo dài tới mười mấy tiếng hoặc có thể phải tiến hành trong đêm. Để đáp ứng yêu cầu công việc, họ phải xuống từng xã, thậm chí từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm.
Theo lời giới thiệu của anh chị em y, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện trong đoàn, chúng tôi liên lạc và trò chuyện được với điều dưỡng Nguyễn Thị Hương, người được anh chị em trong đoàn đặt biệt danh “Điều dưỡng viên thép”, bởi chị không quản ngại bất cứ khó khăn gian khổ nào, luôn xung phong vào những điểm nóng nhất về dịch bệnh.
Những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi Đông Triều trở thành điểm nóng về dịch của Quảng Ninh, nhận lệnh hỗ trợ chống dịch trong đêm, chị Hương đang trong ca trực ở Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã ngay lập tức lên đường mà không kịp mang theo bộ quần áo nào. 15 ngày chống dịch ở Đông Triều là 15 ngày ròng rã chị cùng đồng nghiệp sải chân trên quãng đường hàng chục cây số, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để lấy mẫu xét nghiệm.
Dịch ở Đông Triều được khống chế, người người nhà nhà kịp đón một cái Tết ấm êm, sum vầy, chị Hương lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chống dịch tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với những ca trực ngày đêm. Lần này, Bắc Giang gọi chi viện chống dịch, chị lại tiếp tục là người xung phong đầu tiên cùng 200 chiến sĩ áo trắng lao vào “chảo lửa”.
Chị Hương kể: Chống dịch đợt Tết ở Đông Triều về, tôi vừa cách ly theo quy định, vừa làm việc nội viện và được về thăm nhà đúng 5 ngày. Quay trở lại đi làm, cũng mấy lần định về nhà nhưng tình hình dịch diễn biến phức tạp quá, việc ở viện nhiều, anh chị em cứ động viên nhau cố gắng một chút để phía Tây của tỉnh được bình yên. Thế rồi lần này tỉnh Quảng Ninh chi viện nhân lực, vật lực cho tỉnh bạn Bắc Giang, tôi cũng xung phong đi luôn vì nghĩ bản thân đã có nhiều kinh nghiệm trong đợt dịch trước, chắc chắn sẽ đóng góp, hỗ trợ được nhiều cho tỉnh bạn. Tính ra đã 3 tháng nay tôi chưa về nhà, cũng rất nhớ gia đình nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh này, tôi cũng như các anh chị em trong đoàn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, mong dịch bệnh sớm lùi để cuộc sống được quay trở lại bình thường như trước kia…
Ở Bắc Giang, một ngày làm việc bình thường của đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh thường bắt đầu từ khoảng 5 rưỡi, 6 giờ sáng với những sinh hoạt thiết yếu hàng ngày và một cuộc họp đầu giờ sáng ngắn gọn để phân công công việc. Khác với những ngày đầu mới đến khi việc lấy mẫu gói gọn trong khuôn viên các công ty ở các khu công nghiệp, những ngày gần đây, việc truy vết lấy mẫu xét nghiệm được mở rộng ra địa bàn cộng đồng, các khu dân cư, trong đó có những địa bàn thuộc diện phong tỏa, cách ly. Điều này yêu cầu các nhân viên y tế của đoàn phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe hơn và đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Ngay sau cuộc họp nhanh, căn cứ kế hoạch làm việc dự kiến của từng ngày, các nhóm sẽ lĩnh đủ lượng vật tư y tế, đồ dùng và di chuyển đến nơi làm việc. Theo quy định, các y bác sĩ, nhân viên y tế chỉ được phép di chuyển cùng đoàn bằng xe riêng theo từng nhóm, không được phép tách đoàn hay tự ý di chuyển ra khỏi khu vực làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch khi làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu, toàn bộ các y, bác sĩ phải mặc trang phục phòng hộ đúng tiêu chuẩn phòng chống dịch, kín khí suốt một khoảng thời gian dài, trung bình khoảng 6 giờ, có khi là 8 đến 10 giờ đồng hồ liên tục, giữa thời tiết mùa hè oi bức.
Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại trong giờ nghỉ giải lao từ tuyến đầu Bắc Giang, bác sĩ Vũ Trí Tuệ, một trong những thầy thuốc của đoàn, chia sẻ: Bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch nếu mặc đúng quy chuẩn sẽ vô cùng kín và trong suốt khoảng thời gian làm nhiệm vụ, chúng tôi không được phép cởi bỏ. Những hôm đầu làm việc trong các khu công nghiệp, không phải tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời thì không sao. Nhưng những ngày làm việc tại cộng đồng như vừa rồi thì cực kỳ khó chịu, có thể tưởng tượng như mặc 2 - 3 cái áo mưa dưới trời nắng nóng đi lại, làm việc vậy. Tuy các điểm lấy mẫu đều được địa phương bố trí quạt công nghiệp nhưng với chất liệu đặc biệt của bộ đồ phòng hộ, chúng tôi gần như không cảm nhận được luồng gió từ quạt, mồ hôi túa ra khắp người, như xông hơi vậy. Kết thúc ca làm, sau khi thực hiện đúng các quy trình khử khuẩn, cởi bộ đồ phòng hộ ra thì quần áo bên trong đã ướt sũng, vắt ra nước được. Những ai nhiều mồ hôi thì găng tay như cái túi đựng nước, mồ hôi lõng bõng bên trong…
“Nói vui vui, anh chị em chúng tôi ngày nào cũng được xông hơi và tắm trong mồ hôi của chính mình ấy”-Bác sĩ Tuệ nói đùa một cách dí dỏm trước những khó khăn vất vả của mình và đồng nghiệp. Tuy chỉ qua điện thoại, không thấy ánh mắt, nét mặt, nhưng giọng nói của bác sĩ Tuệ không hề tỏ ra mệt mỏi hay than khổ, nhụt chí mà vẫn đầy phấn khởi, quyết tâm...
Có thể thấy, chục ngày qua thực hiện nhiệm vụ ở Bắc Giang, để chạy đua với tốc độ lây lan cực nhanh của dịch, mọi người đều làm việc hết công sức, cả ngày, thậm chí xuyên đêm là chuyện bình thường. Cứ qua mỗi ngày, số lượng đối tượng phải lấy mẫu xét nghiệm càng tăng lên, mọi người cũng vì thế mà làm việc trong guồng quay không ngơi nghỉ. Những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi sau khi cởi bỏ lớp bảo hộ; những đôi tay bợt màu sau nhiều giờ đeo găng cao su, thế nhưng, họ vẫn luôn sẵn sàng lên đường, vì Tổ quốc, vì đồng bào và vì niềm tin chiến thắng đại dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Trưởng đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh tại Bắc Giang, chia sẻ: Không chỉ bí hơi, nóng bức mà những bất tiện trong các vấn đề cá nhân tế nhị hàng ngày mới là điều vất vả nhất của anh chị em. Trong quá trình làm việc với nguy cơ dịch bệnh luôn ẩn hiện trước mắt, việc cởi ra, mặc vào bộ quần áo phòng hộ sẽ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Còn nếu phải thay bộ phòng hộ mới thì lại gây lãng phí nguồn lực vật tư y tế. Chính vì vậy trước và trong giờ làm việc, mọi người đều gần như bỏ qua việc ăn uống để hạn chế đến mức tối đa vấn đề vệ sinh cá nhân. Nhìn nhiều anh, chị em mỗi khi hết ca, vừa đói, vừa mệt, vừa khát, vừa nóng bức khó chịu, nhiều người ngồi gục một chỗ vì choáng váng, uống liền lúc hết mấy chai nước, nhưng tuyệt nhiên không một thời kêu than, vẫn tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm..., là người đứng đầu đoàn, tôi vừa thương, vừa cảm phục tinh thần hy sinh hết mình vì công việc, vì trách nhiệm với cộng đồng của mọi người.
Theo dõi từng ngày thông tin dịch bệnh ở Bắc Giang, những ngày báo cáo kết quả ca bệnh mới giảm, chúng tôi thấy lạc quan hơn nhiều lắm. Nhưng mấy ngày gần đây, kết quả xét nghiệm những lần tiếp theo của các đối tượng đã được cách ly, lấy mẫu trong các khu vực phong toả lại dương tính rất nhiều, chúng tôi không tránh khỏi lo lắng, bất an… Là những người đã và đang ở tuyến đầu chống dịch, chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp, cố gắng hết sức để điểm nóng Bắc Giang sớm khoanh vùng, dập dịch thành công. Cũng mong sao mỗi người dân Bắc Giang đều có ý thức, nhận thức rõ được mối nguy của dịch bệnh đang lây lan ngày một nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, để hợp tác, chung tay cùng các lực lượng chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh…
Theo thống kê, sau 10 ngày hoạt động tại Bắc Giang, đoàn nhân viên y tế tình nguyện đã tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho gần 100.000 đối tượng là công nhân các khu công nghiệp và người dân huyện Việt Yên. Với năng lực xét nghiệm của mình, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cũng đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang xét nghiệm được hơn 20.000 mẫu gộp, phát hiện ra nhiều ca dương tính giúp Bắc Giang truy vết, khoanh vùng, phong toả đường lây của dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Bắc Giang cũng đang bắt đầu tính đến các kịch bản để vừa nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, vừa từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, ổn định kinh tế - xã hội.
“Những ngày làm nhiệm vụ ở Bắc Giang, phía tỉnh bạn tạo điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi cho anh chị em rất tốt. Các tổ chức, đoàn thể của tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên cũng quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ chia sẻ với đoàn rất nhiều. Đặc biệt là tình cảm, sự biết ơn của người dân Bắc Giang dành cho đoàn qua những hành động nhỏ như tặng nước mát, sữa tươi, sữa chua, chăng điện, góp quạt… cũng giúp chúng tôi cảm thấy vơi bớt đi rất nhiều phần mệt mỏi vì biết vẫn còn có những “hậu phương” vững chắc ở bên. Mấy ngày tới, để tránh thời tiết nóng bức ban ngày, chúng tôi sẽ chuyển qua làm việc nhiều hơn vào giờ tối, thậm chí đêm muộn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới đời sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện tại, chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ cùng anh chị em y, bác sĩ, cùng đoàn kết san sẻ vất vả với nhau để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh” - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa chia sẻ thêm.
Minh Hà - Ngân Hà (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()