Mỹ và Israel đã xác nhận sẽ cử đại diện tham dự cuộc đối thoại lần này ở Doha, và Hamas cũng từng ngụ ý rằng họ vẫn quan tâm đến một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Hamas hôm 14/8 lại phát đi thông điệp gây lo ngại khi tuyên bố họ sẽ không góp mặt trong tiến trình đàm phán, mà chỉ để ngỏ khả năng gặp các bên trung gian nếu họ mang đến "phản hồi nghiêm túc" từ phía Israel về thỏa thuận ngừng bắn.
"Tham gia cuộc đàm phán sẽ chỉ cho phép lực lượng chiếm đóng áp đặt các điều kiện mới và tiến hành thêm các cuộc thảm sát", Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của Hamas, nói.
"Hamas cam kết thực hiện đề xuất được đưa ra vào ngày 2/7, vốn dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và bài phát biểu của ông Biden. Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu thảo luận ngay lập tức về cơ chế thực hiện điều đó", ông Zuhri nói thêm.
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một đề xuất ngừng bắn ba giai đoạn mà Nhà Trắng cho biết là do Israel đệ trình, trong đó sẽ kết hợp việc thả các con tin bị Hamas bắt khỏi Gaza với "lệnh ngừng bắn hoàn toàn và toàn diện" và trao trả tự do cho các tù nhân Palestine bị giam tại Israel.
Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài 6 tuần, trong đó bao gồm "việc quân đội Israel rút khỏi mọi khu vực đông dân cư ở Gaza" và "thả một số con tin, chủ yếu là phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine" cũng như thực hiện lệnh ngừng bắn tạm thời.
Giai đoạn hai sẽ "tiến hành trao đổi để thả tất cả các con tin còn sống, trong đó có cả các binh sĩ Israel" và chấm dứt chiến sự vĩnh viễn.
Trong giai đoạn ba, "một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza sẽ bắt đầu và thi thể của những con tin thiệt mạng sẽ được trao trả lại cho gia đình", Tổng thống Biden nói.
Đề xuất ngừng bắn này ban đầu nhận được sự hưởng ứng của cả Hamas và Israel. Tuy nhiên, hai bên chưa thể thống nhất việc thực hiện các chi tiết cụ thể của đề xuất, như trình tự trao đổi con tin và tù nhân, số lượng tù nhân Palestine được thả và quân đội Israel phải rút lui bao xa khỏi Gaza.
Sau đó, các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng phản đối thỏa thuận ngừng bắn, đe dọa sẽ lật đổ chính phủ của ông bất chấp áp lực từ Mỹ và gia đình các con tin.
Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc phá hoại thỏa thuận khi đưa ra những yêu cầu mới vào phút chót. Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết yêu cầu này bao gồm xây dựng cơ chế ngăn chặn các tay súng từ phía nam quay lại phía bắc Dải Gaza, và Israel tiếp tục duy trì kiểm soát hành lang Philadelphi, dải lãnh thổ nằm trên biên giới Gaza - Ai Cập.
Phát biểu với báo giới tuần qua, một quan chức cấp cao chính quyền cho biết "phần lớn công việc" cho thỏa thuận đã được thực hiện, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được ký kết vào ngày 15/8 vì cả hai bên vẫn bất đồng về "4 đến 5 vấn đề".
Một nhà ngoại giao giấu tên am hiểu vấn đề cho hay những điểm bế tắc còn lại đối với Hamas là các hạn chế mà Israel đề xuất về việc đi lại tự do của người dân giữa miền bắc và miền nam Gaza, điều kiện của Israel về việc lựa chọn thả tù nhân Palestine, cũng như việc Israel hiện diện liên tục tại Hành lang Philadelphi và cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập.
Văn phòng Thủ tướng Netanyahu hôm 13/8 bác bỏ thông tin về việc ông đã thay đổi lập trường, khẳng định Thủ tướng "không cố tình làm suy yếu" các đề xuất mà ông đưa ra. Thay vào đó, Tel Aviv cáo buộc Hamas đưa thêm các yêu cầu không thực tế vào đề xuất của mình.
Các quan chức Mỹ nói rằng vào thời điểm cuộc đàm phán gần như đã thành công, khu vực đột nhiên chứng kiến bước ngoặt khi thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại tại Tehran hồi cuối tháng 7 trong một vụ nổ mà Iran quy trách nhiệm cho Israel. Tel Aviv không xác nhận hay phủ nhận, nhưng Tehran thề sẽ đáp trả.
Nhiều người lo ngại vụ ám sát sẽ làm chệch hướng đàm phán giữa Israel và Hamas. Lực lượng này đã thay thế Haniyeh bằng Yahya Sinwar, thủ lĩnh cứng rắn của nhóm ở Gaza, người đang bị Israel truy nã gắt gao. Trong khi Haniyeh là người có quan điểm tương đối ôn hòa, sống ở Qatar và dễ bị áp lực từ quốc gia chủ nhà, Sinwar được cho là đang ẩn náu sâu dưới hệ thống đường hầm ở Gaza và rất khó tiếp cận.
"Haniyeh rất hữu ích trong việc kết nối với những người ở Gaza. Ông ấy được họ tôn trọng", một nguồn tin ngoại giao cho hay. "Quan điểm của Hamas vẫn là ông Netanyahu muốn cuộc chiến này tiếp tục, không quan tâm đến lệnh ngừng bắn hay việc rút quân hoàn toàn".
Cuộc đàm phán ngừng bắn ngày 15/8 là kết quả từ nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của các nhà trung gian hòa giải Qatar, Ai Cập và Mỹ. Tính cấp thiết của các cuộc đàm phán đã được ba nước nhấn mạnh vào tuần trước, khi họ kêu gọi các bên tham chiến quay trở lại bàn đàm phán và đưa ra cái mà họ gọi là "đề xuất cầu nối cuối cùng" để vượt qua những nút thắt còn lại. Chi tiết của đề xuất đó vẫn chưa được công khai.
Song song với đó, các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Đông cũng chạy đua để ngăn Iran tung đòn tấn công đáp trả Israel, điều có thể khiến xung đột lan rộng ra khu vực. Cả Iran và Mỹ đều cho biết đường dây liên lạc giữa họ được mở thông qua các bên trung gian.
Ba quan chức cấp cao Iran cho biết chỉ có thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza mới khiến nước này không trả đũa trực tiếp Israel sau vụ ông Haniyeh bị ám sát. Tuy nhiên, những bất đồng trên giữa Hamas với Israel càng khó hóa giải khi nhóm vũ trang không có mặt tại bàn đàm phán.
Tình trạng thiếu rõ ràng về việc liệu Thủ tướng Israel có tuân thủ đề xuất ngừng bắn hồi tháng 5 của Tổng thống Biden hay không cho thấy thời gian để đạt được thỏa thuận trước khi Iran tấn công đang cạn dần, giới chuyên gia nhận định, thêm rằng Qatar và Ai Cập dường như không có đủ ảnh hưởng để thúc đẩy Hamas thỏa hiệp.
Ý kiến ()