Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:04 (GMT +7)
Trợ lý AI giá 200 USD của startup Trung Quốc khuấy đảo giới công nghệ
Thứ 4, 24/01/2024 | 22:41:26 [GMT +7] A A
Startup Rabbit cho hay, thiết bị trợ lý AI cầm tay Rabbit R1 của hãng đã “cháy hàng” sau 5 đợt mở bán trước.
Sản phẩm của công ty khởi nghiệp Rabbit Inc nhanh chóng thu hút chú ý của người tiêu dùng như một cách tương tác mới với công nghệ AI mà không cần smartphone và máy tính.
Rabbit Inc, thành lập bởi doanh nhân công nghệ Trung Quốc Jesse Lyu Cheng, cho biết thiết bị R1 có giá 199 USD, được ra mắt tại Las Vegas cùng thời điểm sự kiện CES 2024 hồi đầu tháng này, đã được bán hết trong cả năm vòng đặt trước.
Công ty trụ sở Santa Monica không có gian trưng bày tại CES, song thiết bị màu cam, nhỏ bằng một chiếc hộp bằng lòng bàn tay, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới công nghệ.
Tuần trước, công ty cho biết trên X rằng họ đang bắt đầu cho đặt hàng trước lô thứ sáu gồm 50.000 thiết bị Rabbit R1, sau khi lô 10.000 chiếc trước đó đã được bán hết.
Theo Lyu, CEO Rabbit, ý tưởng là đưa thiết bị hỗ trợ AI chuyên dụng đến với hàng tỷ người tiêu dùng toàn cầu, trong bối cảnh “những trợ lý kỹ thuật số vẫn gặp khó khăn để hoàn thành công việc”, dù lĩnh vực phát triển mô hình ngôn ngữ lớn đã có nhiều thành tựu nhất định thời gian gần đây.
R1 Rabbit có sự hợp tác từ công ty thiết kế Teenage Engineering, có màu cam và gợi nhớ đến nét cổ điển của những máy chơi game cầm tay những năm 1990.
Thiết bị có màn hình cảm ứng 2,88 inch, kết hợp một bánh xe cuộn có thể nhấn để truy cập các chức năng tích hợp, bao gồm điều khiển bằng giọng nói. Phía trên bánh xe là camera xoay để chụp ảnh và quay video. Thiết bị chỉ nặng khoảng 115 gram, dễ dàng nằm gọn trong túi người dùng.
Cung cấp sức mạnh là bộ xử lý MediaTek tốc độ 2,3 GHz, 4GB RAM và 128 GB dung lượng lưu trữ. Thiết bị không yêu cầu kết nối với thiết bị khác để hoạt động.
Song, điểm thú vị thực sự của R1 là hệ điều hành độc đáo, dựa trên cái mà công ty gọi là “mô hình hành động lớn” - mô hình nền tảng độc quyền được thiết kế nội bộ để tìm hiểu ý định và hành vi người dùng.
Chẳng hạn, sau khi R1 ghi nhận cách người dùng tương tác với ứng dụng giao đồ ăn hoặc ứng dụng gọi xe, thiết bị có thể thực hiện các hành động tương tự theo lệnh.
Kể từ khi video ra mắt R1 được đăng tải trên YouTube vào ngày 9/1, nó đã nhận được hơn 4,8 triệu lượt xem và 56.000 lượt thích.
Theo dữ liệu từ PitchBook, chuyên theo dõi các giao dịch trên thị trường vốn cổ phần tư nhân, tính đến tháng 12, Rabbit đã huy động được 36 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
CEO Lyu học chuyên ngành toán tài chính theo chương trình liên kết giữa Đại học Xian Jiaotong ở Tô Châu và Đại học Liverpool ở Anh. Anh cũng là nhà sáng lập dịch vụ truyền thông xã hội kết nối người dùng dựa trên lịch trình, Timeet. Theo báo chí Trung Quốc, Lyu đã hai lần lọt vào danh sách 30 Under 30 Entrepreneur của Forbes.
Sinh năm 1990 tại Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Lyu được biết đến như một ngôi sao doanh nhân công nghệ. Trước Rabbit, anh đã thành lập nhà sản xuất thiết bị AI cho smart-home, có tên Raven Tech vào năm 2014.
Công ty khởi nghiệp này đã được gã khổng lồ AI và công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc mua lại vào tháng 2 năm 2017. Thương vụ được truyền thông Trung Quốc đưa tin trị giá 90 triệu USD.
Giống như Rabbit, Raven cũng là con cưng của các công ty đầu tư mạo hiểm và đây là công ty Trung Quốc duy nhất nhận được tài trợ từ vườn ươm công nghệ Y Combinator của Mỹ có trụ sở tại California.
Theo VTCNews
- Trợ lý ảo Siri chuẩn bị có bản nâng cấp lớn
- Hé lộ các tính năng của dịch vụ trợ lý ảo có trả phí Bard Advanced của Google
- Bill Gates: '5 năm nữa mọi người đều có trợ lý AI'
- Viettel công bố chip 5G và trợ lý ảo AI
- Google lên kế hoạch tích hợp AI tạo sinh vào trợ lý ảo
- Trợ lý ảo tiếng Việt và giấc mơ thay đổi cuộc sống người Việt Nam
Liên kết website
Ý kiến ()