Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:23 (GMT +7)
"Trợ lực" phát triển sản xuất cho người dân miền núi, hải đảo
Thứ 3, 05/10/2021 | 10:38:54 [GMT +7] A A
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ triển khai các mô hình, những chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho các hộ dân đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cuối năm 2020, anh Chu Văn Trình (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu. Số vốn vay cùng nguồn vốn tự có, anh Trình đã mua 20 con ngựa giống, làm chuồng trại, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai ở đây rất phù hợp chăn nuôi các loại gia súc, vì vậy đã có nhiều hộ dân trong huyện đầu tư nuôi trâu, bò, dê, nhưng chăn nuôi ngựa như anh Trình thì đây là hộ đầu tiên, bởi không phải ai cũng dám đầu tư.
Anh Trình chia sẻ: Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, tôi không dám đầu tư đàn ngựa này. Với tốc độ phát triển của đàn ngựa hiện nay, chỉ sang năm, đàn ngựa sẽ mang lại nguồn thu, tôi sẽ trả được cả nợ gốc và lãi của ngân hàng. Bởi ngoài bán ngựa giống, tôi sẽ huấn luyện ngựa làm công việc chở hàng cho những người thu hoạch nhựa thông hay quế, hồi theo mùa vụ, xây dựng sản phẩm trải nghiệm cưỡi ngựa phục vụ du lịch.
Không riêng anh Trình, những khoản vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH còn là trợ lực thúc đẩy sản xuất của nhiều hộ dân vùng cao Đồng Lâm, TP Hạ Long. Bà Triệu Thị Toan (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm), cho biết: Không có việc làm ổn định, con trai bị tật nguyền, nên nhiều năm gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2017, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh để trồng rừng. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã trồng 3ha keo, có việc làm ổn định, thu nhập cũng được cải thiện. Gia đình giờ không còn là hộ nghèo.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh đã tập trung nguồn vốn để ưu tiên giải ngân cho vay đối với đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo... thông qua nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, nhất là tại các khu vực còn nhiều khó khăn. Bởi ở những vùng đất có điều kiện thuận lợi, nhưng không có vốn để sản xuất đã khó, thì ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống mà thiếu vốn lại càng khó khăn gấp bội phần. Nguồn vốn còn góp phần quan trọng hoàn thành chương trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Tuy nhiên, theo Quyết định 861/QĐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh hiện không còn xã khu vực 2 và 3. Do đó, người dân tại khu vực này không thể tiếp tục được vay vốn từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Người dân tại khu vực này không phải là đối tượng cho vay của nhiều chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Bên cạnh đó, mặc dù không bị hạn chế bởi đối tượng, song nguồn vốn cho vay giải quyết việc thường xuyên rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Bởi nhiều năm, Quảng Ninh không được bố trí vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Theo rà soát của Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục phát triển sản xuất của người dân tại các khu vực này rất lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn này, tại Kỳ họp thứ 4 - kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã thông qua điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, bố trí 40 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH theo chương trình cho vay giải quyết việc làm đối người dân 25 xã và 24 thôn vùng DTTS, miền núi, hải đảo, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()