Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:40 (GMT +7)
Trò chơi dân gian - nét đẹp văn hóa lễ hội
Chủ nhật, 19/03/2023 | 14:05:56 [GMT +7] A A
Trong các lễ hội truyền thống nhất là dịp đầu xuân, bên cạnh phần nghi lễ linh thiêng, trang trọng, một trong những hoạt động không thể thiếu mang đậm bản sắc văn hóa đó là các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc. Thông qua việc tổ chức các hoạt động trò chơi, các môn thể thao vui tươi, lành mạnh đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia giao lưu, qua đó góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhắc đến huyện miền núi biên giới Bình Liêu là nhắc đến mảnh đất của những lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Hằng năm, vào các dịp lễ hội đình Lục Nà (ngày 16-17 tháng Giêng), hội Soóng cọ (16/3 âm lịch), ngày Kiêng gió (4/4 âm lịch), ngoài phần lễ là dịp để bà con được gặp gỡ, vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Do đó, việc tham gia thi đấu, giao lưu, khoe tài với các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc trong phần hội luôn được bà con hào hứng đón đợi.
Theo đó, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, ném còn, đánh quay… thường được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Qua thời gian, sự giao thoa văn hóa, sự sáng tạo của cộng đồng, các trò chơi cũng có những sự thay đổi trong cách thức tổ chức, hình thức thực hiện, luật chơi song hầu hết đều vẫn thể hiện tính tập thể, đoàn kết, sự khéo léo của người chơi.
Chị Hoàng Thị Huệ, thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu), chia sẻ: Mỗi dịp lễ hội, chị em trong thôn đều tập trung để cùng luyện tập các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ… để tranh tài với các đội trong xã. Các môn như đẩy gậy, bắn nỏ vốn dành cho nam giới nay cũng được chị em chơi rất thành thạo. Các trò chơi dân gian thường không quá khó, dụng cụ cũng rất đơn giản, người dân có thể tự làm ra từ những vật liệu dễ kiếm nên hầu hết ai cũng chơi được. Vui nhất là những trò chơi như bịt mắt bắt vịt, kéo co... luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của cả người dân và du khách.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu Tô Đình Hiệu cho biết: Các trò chơi dân gian trong lễ hội đã thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, tạo sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức thi đấu các trò chơi, môn thể thao truyền thống còn phát hiện được nhiều nhân tố có năng khiếu để chọn vào đội tuyển của huyện tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh...
Sau gần 3 năm hoãn tổ chức do dịch Covid-19, lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đã được tổ chức trở lại với quy mô lớn vào cuối tháng 2 vừa qua trong sự háo hức phấn khởi của hàng nghìn người dân và du khách. Trong phần hội, hội thi đua thuyền lần đầu tiên tổ chức thi đấu giữa các phường, xã trên địa bàn đã tạo không khí sôi nổi, gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Anh Nguyễn Xuân Cường (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) chia sẻ: Lần đầu tiên tham gia thi đấu nên anh em trong đội của phường đã phải tập trung tập luyện khoảng nửa tháng. Một đội có hơn 10 người nên để đua thuyền được đòi hỏi sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các thành viên. Tham gia hội thi mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là mang đến niềm vui cho nhân dân, góp một phần công sức làm nên thành công, giới thiệu nét đẹp văn hóa của lễ hội đền Cửa Ông đến du khách bốn phương.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, nhưng các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng, là nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống, nhằm góp phần nâng cao thể chất, giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Vì vậy, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác gìn giữ và phát triển các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc thông qua việc duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, đưa vào các hội thi thể thao, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tạo địa điểm sinh hoạt, vui chơi cho người dân.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”. Qua đây, tiếp tục phát huy thế mạnh, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực.
Nguyễn Dung
- Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Dao – Khai mạc chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu năm 2022
- Có gì hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa Thể thao dân tộc Dao – Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu năm 2022?
- Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa Thể thao dân tộc Sán Dìu năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 6/11
- Ấn tượng Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022
- Tưng bừng lễ hội Đền Cửa Ông năm 2023
- Khai mạc Lễ hội Đình Tràng Y (huyện Đầm Hà) năm 2023
Liên kết website
Ý kiến ()