Triều Tiên ngày 21/11 tuyên bố phóng thành công vệ tinh trinh sát sau hai lần thất bại trước đó. Đài thiên văn tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc ghi lại cảnh một vụ nổ và đám mây bụi trên bầu trời trong vụ phóng.
Theo một số chuyên gia, đoạn video này quay lại cảnh tầng đẩy của tên lửa Chollima-1 (Thiên Lý Mã 1) tách ra rồi phát nổ trên không trung.
"Dường như họ kích nổ tầng đẩy của tên lửa giữa không trung", Byun Yong-Ik, giáo sư thiên văn học tại Đại học Yonsei, nhận định. "Biện pháp này chưa từng được áp dụng trong các vụ phóng trước đó. Đây có thể là nỗ lực nhằm ngăn Mỹ và Hàn Quốc thu hồi tầng đẩy vì nó có động cơ mới".
Tầng đẩy tên lửa Chollima-1 của Triều Tiên phát nổ trong vụ phóng ngày 21/11. Video: Reuters
Marco Langbroek, chuyên gia vệ tinh tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, cho biết đoạn video quay lại cảnh tầng đẩy thứ nhất tách khỏi tên lửa và nổ tung sau đó. "Điều này chắc chắn là bất thường", ông Langbroek nói. "Phần lớn tầng đẩy tên lửa mang vệ tinh đều rơi xuống biển".
Chuyên gia Langbroek thừa nhận chưa thể biết vụ nổ này có chủ đích hay là vô tình. Tuy nhiên, Triều Tiên từng thông báo sử dụng cơ chế tự hủy trong lần phóng vệ tinh hồi tháng 8 để đảm bảo an toàn khi tên lửa gặp sự cố.
"Nhiều khả năng việc kích nổ được thực hiện có chủ đích nhằm ngăn chặn phương Tây thu thập tầng đẩy còn nguyên vẹn của tên lửa", ông Langbroek nói.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/11 thông báo quân đội nước này đang tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ tên lửa mang vệ tinh Triều Tiên. Cơ quan này không bình luận về video hay thông tin về việc Triều Tiên phá hủy tầng đẩy nói trên.
Triều Tiên lần đầu phóng tên lửa Chollima-1 mang vệ tinh vào tháng 5. Tên lửa này sau đó rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc. Hải quân Mỹ và Hàn Quốc thu hồi các bộ phận của quả tên lửa, trong đó có phần vệ tinh mà họ đánh giá là "không phù hợp cho mục đích quân sự".
Các chuyên gia nhận định việc thu hồi tầng đẩy của tên lửa có thể cung cấp thông tin giá trị về năng lực và thành phần của nó. Hàn Quốc gần đây cho rằng Nga hỗ trợ kỹ thuật cho Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh ngày 21/11. Nga bác bỏ thông tin này.
Ý kiến ()