Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:53 (GMT +7)
Triệu chứng viêm VA ở trẻ nhỏ cha mẹ nên lưu ý
Thứ 5, 23/02/2023 | 11:12:15 [GMT +7] A A
Viêm VA là một dạng bệnh lý liên quan tới tai mũi họng thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Nhận biết sớm các triệu chứng viêm VA ở trẻ nhỏ có thể giúp quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả.
Viêm VA có 2 dạng là viêm VA cấp tính và viêm VA mãn tính. Viêm VA cấp hay mãn tính sẽ có những triệu chứng phát hiện và mức độ biến chứng nguy hiểm khác nhau.
1. Triệu chứng viêm VA ở trẻ nhỏ
1.1. Triệu chứng viêm VA cấp tính ở trẻ nhỏ
Những dấu hiệu viêm VA cấp tính điển hình như:
- Sốt: Khi bị viêm VA trẻ có thể sốt từ 38- 40 độC, có trường hợp sốt cao hơn trên 40 độ.
- Ngạt mũi: Nếu trẻ bị viêm VA thì sẽ làm cho tăng tiết dịch nhầy, gây tình trạng ngạt mũi.
- Ho: Triệu chứng ho khi bị viêm VA không phải là dấu hiệu sớm, bởi sau khi phát bệnh từ 1-2 ngày thì dấu hiệu ho mới xuất hiện.
- Chảy nước mũi: Màu sắc ban đầu của dịch có thể là màu trong sau đó chuyển sang đục dần.
- Khả năng nghe giảm: Bệnh viêm VA cũng ảnh hưởng tới khả năng nghe của trẻ, khiến trẻ thường xuyên không nghe được, lơ đễnh nhiều hơn.
- Các triệu chứng khác có thể xảy ra: Ngoài các triệu chứng trên thì khi trẻ bị mắc bệnh viêm VA cấp tính có thể xuất hiện tình trạng người mệt mỏi, tiêu chảy, nôn trớ, không chịu ăn, bỏ ăn, quấy khóc,…
1.2. Triệu chứng viêm VA mãn tính ở trẻ nhỏ
Tình trạng viêm VA mãn tính là trình trạng viêm VA quá phát hoặc bị xơ hóa sau viêm nhiễm cấp tính quá nhiều lần. Khi chuyển sang tình trạng viêm VA mãn tính cơ thể trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt vặt, chậm phát triển hơn so với lứa tuổi, ăn uống kém hơn, cơ thể gầy còm, ốm yếu, da xanh,… Thính giác bị ảnh hưởng khiến trẻ kém tập trung, khả năng học tập suy giảm, đãng trí do tình trạng oxy lên não bị thiếu.
2 triệu chứng điển hình khi trẻ bị viêm VA mãn tính như:
- Chảy nước mũi nhiều hơn: Do tính trạng viêm nặng hơn khiến khối viêm tăng lên về kích thước, chèn ép đường thở khiến tình trạng nghẹt mũi và chảy nước mũi càng nhiều hơn. Tình trạng này xảy ra lâu ngày sẽ khiến nước mũi chảy có màu sắc khác nhau từ trong, vàng, đục.
- Ngạt mũi: Ngạt mũi ở giai đoạn viêm VA mãn tính cũng có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng. Tình trạng ngạt mũi khiến trẻ liên tục phải thở bằng miệng nên có thể dẫn tới một số biến chứng như gây biến dạng khuôn mặt, viêm họng,...
2. Biến chứng viêm VA ở trẻ nhỏ
Dù là viêm VA cấp tính hay mãn tính, nếu trẻ không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ảnh hưởng tới chức năng của VA và gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Gây tình trạng bít tắc đường thở, dẫn tới ứ đọng dịch và mủ ở mũi. Có thể gây ra tình trạng viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa hoặc viêm khí quản, phế quản.
- Gây tình trạng tắc lỗ thông khí vào tai giữa dẫn tới biến chứng viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mủ hay nguy hiểm hơn có thể gây tình trạng giảm thủng nhĩ
- Nếu trường hợp nặng có thể gây tình trạng ngưng thở khi ngủ
- Khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ngáy, thường xuyên giật mình, khi ngủ có thể gây tè dầm
- Trẻ có thể chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần
3. Nguyên tắc phòng bệnh viêm VA cho trẻ nhỏ
Để phòng ngừa viêm VA cho trẻ, cha mẹ nên chủ động thực hiện một số biện pháp như:
- Vệ sinh sạch sẽ tai, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày để ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập gây bệnh.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng nước lạnh, đồ ăn lạnh
- Không nên cho trẻ ở trong các môi trường ô nhiễm, khói bụi
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chẳng hạn giặt sạch sẽ chăn ga, gối đệm, nhà cửa,...
- Khi cho trẻ ra ngoài, nên đeo khẩu trang, kính mắt đầy đủ
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho bé
Nhìn chung, các triệu chứng viêm VA ở trẻ nhỏ giống với các bệnh hô hấp nên dễ gây chẩn đoán nhầm lẫn. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()