Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:31 (GMT +7)
Triển vọng từ trồng lúa bán tín chỉ carbon
Thứ 7, 24/08/2024 | 13:00:00 [GMT +7] A A
Ngành nông nghiệp các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã khởi động mô hình canh tác lúa thông minh hưởng ứng đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; giúp người dân được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị sản phẩm và bán được tín chỉ carbon.
Các mô hình canh tác thông minh tạo ra quy trình trồng lúa khép kín từ cung cấp vật tư đầu vào đến giải pháp kỹ thuật, phương pháp quan trắc, đo đạc, báo cáo lượng khí phát thải…
Hiệu quả kép
Thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khởi động mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt-khô xen kẽ” có đơn vị quan trắc đánh giá môi trường về khí thải carbon. Nông dân thực hiện quy trình canh tác Ecocycle của Công ty BSB và Công ty Net Zero Carbon theo tiêu chuẩn AWD giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30%, giảm lượng phân bón hóa học khoảng 10%, nhờ đó ruộng lúa giảm được lượng khí phát thải và tăng cường sức khỏe cho người trồng.
Toàn bộ quy trình được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh của Công ty Spiro Carbon (Mỹ). Ở tỉnh Hậu Giang, nông dân xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, triển khai trên diện tích hơn 18 ha, ứng dụng chế phẩm nano sillica chiết xuất từ vỏ trấu và phân bón trung vi lượng Cherry giúp cây lúa khỏe, bộ rễ phát triển tốt. Quy trình có tổng thời gian giữ ruộng là 47 ngày ướt và 53 ngày khô. Trong đó, người dân thực hiện chặt chẽ chín công đoạn chia thành bốn lần lấy nước vào ruộng và năm lần xả nước ra. Ở giai đoạn từ 85 ngày sau sạ thì xả nước để mặt ruộng được khô ráo, nâng cao chất lượng gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy khi thu hoạch.
Qua đó, giảm lượng phát thải carbon ra môi trường từ 3,5-4 tấn/ha/vụ. Hạt lúa sạch, xanh hơn, tăng năng suất và sức khỏe cho người trồng. Nông dân La Văn Hạnh xã Trường Long Tây phấn khởi cho biết: “Trước kia, chúng tôi chỉ sử dụng phân hóa học, bây giờ giảm phân hóa học, sử dụng phân sinh học nên giảm chi phí so với trước, lại còn có tác dụng bảo vệ môi trường”.
Hợp tác xã Tân Long ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ đã triển khai mô hình này trong vụ lúa hè thu với loại giống lúa OM 18, diện tích 4,2 ha để so sánh với ruộng đối chứng là 1 ha. Sau hơn ba tháng thực hiện, ruộng lúa đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống năng suất chỉ đạt gần 6 tấn/ha, chi phí đầu tư hơn 24,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được gần 20 triệu đồng/ha. Ruộng trong mô hình thông minh năng suất đạt gần 8 tấn/ha, chi phí đầu tư gần 22 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được hơn 36 triệu đồng/ha. Ngoài tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, nông dân giảm lượng lúa giống sử dụng trong ruộng mô hình là 80 kg/ha, còn ruộng đối chứng là 120 kg/ha.
Tại thành phố Cần Thơ, sau hơn ba tháng gieo trồng theo quy trình canh tác lúa giảm phát thải, cánh đồng lúa thí điểm Đề án đầu tiên của Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, đã thu hoạch với kết quả khả quan. Lượng lúa giống giảm từ 140 kg/ha xuống còn 60 kg/ha, số lần bón phân giảm xuống còn 2 lần/vụ, giảm ít nhất 20% lượng phân bón hóa học và giảm đáng kể lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, cây lúa hạn chế bị đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch...
Vì thế giúp nông dân tiết kiệm khoảng 1,9 triệu đồng/ha; năng suất lúa đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha, trong khi với phương pháp sạ lan và sạ hàng không vùi phân chỉ đạt từ 5,8-6,1 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện theo Đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha. Cánh đồng cũng giảm từ 2-6 tấn CO2 tương đương trên mỗi héc-ta so với ruộng đối chứng. Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận Nguyễn Cao Khải cho biết, áp dụng mô hình này người dân không đốt rơm rạ nữa mà vừa có thể bán, hoặc cày gốc rạ xuống ruộng làm phân hữu cơ giúp giảm công lao động bón phân cho vụ sau.
Điều quan trọng là thực hiện Đề án, nông dân giảm được chi phí đầu vào, tăng giá bán đầu ra và có thêm nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon. Giám đốc Hợp tác xã Tân Long Nguyễn Văn Thích vui mừng cho biết: “Hợp tác xã đang thực hiện vùng trồng 5 ha. Hiện, người dân rất phấn khởi vì nếu trước kia chỉ bán lúa thì nay còn bán được báo cáo tín chỉ carbon. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ làm lớn hơn”.
Chung tay góp sức cùng nhà nông
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 chia làm hai giai đoạn, với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030. Ngay từ vụ đông xuân 2023-2024 bắt đầu được triển khai khoảng 180.000 ha. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là bảo đảm lợi nhuận cho nông dân ở mức hơn 40% vào năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030.
Qua đó nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của khu vực theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là: Nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ, thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và hợp tác xã góp phần tạo đột phá giúp Đề án được thực hiện nhanh, hiệu quả.
Ông Trần Tấn Thành, đại diện Công ty phân bón Bình Điền cho biết: Nông dân khi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh sẽ được công ty hỗ trợ về quy trình bón phân và kỹ thuật, hỗ trợ 50% lượng phân bón; còn 50% nông dân đối ứng theo quy trình của Bình Điền. Ở thời điểm thí nghiệm mô hình, Công ty cổ phần Công nghệ Nano BSB Nanotech hỗ trợ 100% chế phẩm nano sillica và phân bón trung vi lượng Cherry, đồng thời cử người trực tiếp xuống địa bàn nhắc nhở người dân thời điểm bón phân, phun thuốc theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Công ty cổ phần Net Zero Carbon cũng là đơn vị đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nông dân trong toàn bộ quy trình canh tác lúa thông minh.
Tổng Giám đốc Trần Minh Tiến cho biết, từ ngày đầu đến ngày cuối, công ty cho hệ thống vệ tinh quan trắc, theo dõi, chụp hình. Khi kết thúc, vệ tinh sẽ phân tích đánh giá thửa ruộng này vụ vừa qua giảm phát thải được bao nhiêu tấn carbon? Sau khi có báo cáo từ Công ty Spiro Carbon sẽ tiến hành thu mua lại của người dân. Anh Phạm Minh Cường, Quản lý dự án Công ty Net Zero Carbon cho biết thêm: Công ty cam kết người dân tham gia dự án không phải trả thêm chi phí, mà còn giảm được khoảng 10% chi phí đầu tư và năng suất lúa không giảm so với năng suất bình quân của địa phương, khu vực.
Sau dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được thực hiện tại 13 tỉnh trong cả nước từ năm 2015 đến 2022, nông dân được thụ hưởng nhiều đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà kho, nâng cao năng lực sản xuất, bảo tồn sinh thái trên đồng ruộng. Dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Qua tổng kết, dự án VnSAT đã giúp sản xuất lúa của tỉnh Hậu Giang giảm hơn 176.000 tấn phát thải khí nhà kính. Và Cần Thơ lấy kết quả của dự án VnSAT làm nền tảng ban đầu để thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đến nay, những diện tích tham gia dự án VnSAT trên địa bàn thành phố đã tập trung cơ cấu giống theo hướng chất lượng cao, đặc sản gần 100%...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án, giai đoạn từ năm 2024-2025, Cần Thơ tập trung củng cố, duy trì các hoạt động sản xuất hiệu quả trên diện tích khoảng 38.000 ha với 25 xã tham gia và hỗ trợ phát triển 34 hợp tác xã. Giai đoạn từ năm 2026-2030 tập trung đầu tư cho các khu vực trọng tâm và đạt 50.000 ha theo kế hoạch. Thành phố sẽ tiến hành nạo vét kênh mương, xây dựng thêm trạm bơm điện, xây cầu và mở rộng đường giao thông nông thôn để phục vụ hạ tầng kỹ thuật của đề án.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp cần tranh thủ mọi nguồn lực để nhanh chóng phát huy hiệu quả Đề án tại từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết, chuẩn hóa tất cả quy trình canh tác lúa; qua đó doanh nghiệp, người nông dân cần tuân thủ đúng quy trình để ngành trồng lúa hướng đến giảm chi phí, giảm phát thải carbon, tăng lợi nhuận.
Thực tế cho thấy, trồng lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tác động đến môi trường; giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế gạo Việt Nam ở các thị trường trong thời gian tới.
Với đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, diện tích lúa khi thực hiện sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, tức thu về hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu héc-ta lúa, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.
|
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()