Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Triển vọng từ nuôi tôm
Thứ 7, 12/08/2023 | 09:07:07 [GMT +7] A A
Năm nay, mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng đã tăng 12,9% so với cùng kỳ và đạt 56,2% kế hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, đây là mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và kết quả này đã đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản (NTTS).
Quảng Ninh hiện đang phát triển 2 đối tượng chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở các địa phương Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên. Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao. Trong đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn có diện tích khoảng 100ha (chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững khoảng 150ha (chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm...
Những mô hình này đang cho năng suất 70-80 tấn/ha/vụ (cá biệt có mô hình đạt trên 100 tấn/ha/vụ), lãi suất đạt 1-2 tỷ đồng/ha/vụ. Đặc biệt hiện nay một số cơ sở nuôi tôm tại TP Móng Cái đã áp dụng mô hình CPF-COMBINE, quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, được chia thành 4 giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas sau khi xử lý có thể được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, năng suất nuôi đạt được 10-12kg/m3.
Việc chuyển dịch từ phương thức quảng canh sang thâm canh đã giúp diện tích tôm công nghiệp toàn tỉnh đạt 4.700/7.500ha (chiếm trên 62% diện tích nuôi). Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm đã tăng mạnh qua các năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 19.000 tấn (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022). Có thể nói, con tôm tiếp tục là một trong những đối tượng mang lại thu nhập cao, tương đối ổn định cho các hộ nuôi và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và người dân, nhằm tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm quản lý theo chuỗi, đầu tháng 6 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tiến hành triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ theo chuỗi giá trị tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Đây là mô hình liên kết 5 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm, người nuôi tôm và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm) với sự tham gia của 20 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã.
Ông Hà Minh Hải (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả), cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được nắm bắt về quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Copefloc; ứng dụng chế phẩm vi sinh trong quản lý môi trường và phòng trị bệnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng; nghiệp vụ quản lý, năng lực xây dựng và quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường; áp dụng các quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng cụ quan trắc, quản lý môi trường... Với những công nghệ mới và có các nhà khoa học, doanh nghiệp đồng hành, chúng tôi tin tưởng rằng, vụ tôm năm nay sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi cả về sản lượng và chất lượng.
Song song với việc ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, để người dân, doanh nghiệp chủ động nguồn tôm giống chất lượng cao ngay tại chỗ, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh cũng đã nỗ lực không ngừng để giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất tôm giống phạm vi cả nước. 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã sản xuất, cung ứng cho thị trường 494 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, trong đó số lượng cung ứng riêng cho thị trường Quảng Ninh là 284 triệu con. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự phát triển ổn định cho ngành, mang lại sự yên tâm cho người nuôi tôm cả về sản lượng và chất lượng.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định phát triển chuỗi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương tại Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích liên kết chuỗi đạt 500ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn và đến năm 2030, diện tích 4.848ha, sản lượng liên kết chuỗi đạt 25.650 tấn.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đã đặt ra trong đề án nhằm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu đã đặt ra. Trong đó, đơn vị chú trọng rà soát, đánh giá hiện trạng để chuyển đổi hoặc xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh tập trung tại các địa phương đáp ứng đủ điều kiện sản xuất; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng có khả năng và được quy hoạch chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ theo hình thức nuôi thâm canh. Tuy nhiên để nghề nuôi tôm phát triển theo chuỗi đạt hiệu quả cao, về phía các địa phương cũng cần rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã... nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở nuôi tôm đáp ứng đủ điều kiện thành phần hồ sơ thực hiện ngay đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm. Trong trường hợp được tuyên truyền nhiều lần mà các cơ sở cố tình không thực hiện... đề nghị các địa phương xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()