Chia sẻ với PV Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhấn mạnh: Dự báo tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt khoảng 5,5- 6%, vì quá trình phục hồi mới bắt đầu từ quý IV năm ngoái.
“Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cải thiện dần và đạt đỉnh vào quý III do quý III/2021 tăng trưởng âm” – TS Nguyễn Đức Độ nói.
Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, tháng 2 tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi khá nhanh, dự báo GDP quý I/2022 tăng khoảng 5-5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể tự tin về mức tăng trưởng nêu trên dựa trên cơ sở cơ bản là làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “thích ứng an toàn với COVID-19” từ đầu quý IV/2021 tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý 1/2022, nhờ đó tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2% (khả năng cao); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,2- 2,4%.
Bên cạnh đó, còn các yếu tố hậu thuẫn để đưa tăng trưởng kinh tế cao nhờ dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ thâm hụt Ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực; quy mô hỗ trợ tài khóa thời gian qua còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (thâm hụt Ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách Nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn…
Từ những yếu tố trên, đã có tác động tích cực lên nền kinh tế vĩ mô trong tháng 1.2022 vừa qua và dự báo GDP tháng 2.2022 tiếp tục đà phục hồi khá nhanh. Dự báo GDP quý I/2022 tăng khoảng 5-5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định: Năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% và lạm phát tăng nhưng được kiểm soát ở mức 3,4- 3,7%, nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023.
Chỉ tăng trưởng khi kiểm soát được dịch COVID-19
Tất cả các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đều đặt ra một điều kiện để thực hiện, đó là kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Để thực hiện điều đó, chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả trong năm 2022.
Theo đó, cần phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; Nhiệm vụ tiêm vaccine đóng vai trò xuyên suốt quá trình phòng chống và giải pháp mang tính quyết định để kiểm soát dịch, vì thế, cần có kế hoạch rất cụ thể hoàn thành tiêm mũi 2 và xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3, kể cả việc tổ chức tiêm vaccine, tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra cũng cần hết sức phải quan tâm;
Tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vaccine trong nước một cách có hiệu quả hơn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất vaccine, chỉ có khi nào chủ động được nguồn vaccine trong nước lúc đó mới có thể khẳng định chủ trương thích ứng, “sống chung với COVID-19” được bảo đảm an toàn và hiệu quả. Tuyên truyền thật tốt về phòng chống dịch, tiếp tục đề cao ý thức người dân, người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch...
Ngoài việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư công; tháo gỡ các “điểm nghẽn” để hỗ trợ xuất khẩu; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đẩy mạnh thương mại điện tử; phát triển du lịch thông minh an toàn với dịch bệnh.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%, trên cơ sở đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế.
Ý kiến ()