Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Triển vọng du lịch nông nghiệp
Thứ 7, 27/05/2023 | 11:32:03 [GMT +7] A A
Với không gian du lịch được trải dài từ Đông Triều - Móng Cái, du lịch nông nghiệp là một trong những nhóm sản phẩm du lịch được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ để truyền tải thông điệp đến mọi người “Quảng Ninh không chỉ có Hạ Long mà còn nhiều hơn nữa”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp của Quảng Ninh khá đa dạng, phát triển từ rừng, biển cho đến đồng ruộng. Ngay trong thời điểm này, loại hình du lịch biển kết hợp với sản phẩm du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân” ở các xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) đang được nhiều du khách thích thú. Ngoài việc tận hưởng bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của biển đảo thì việc được hóa thân thành những ngư dân thực thụ, cùng ra biển kéo lưới, đánh bắt thuỷ hải sản và chế biến thưởng thức món ăn truyền thống cùng cư dân biển ngay trên thuyền đã mang lại cho du khách những trải nghiệm rất đáng nhớ.
Anh Hoàng Anh Quân (TP Hà Nội) cho biết: "Dưới sự hướng dẫn của những ngư dân địa phương, chúng tôi đã học cách rải lưới, đập nước lùa cá theo cách đánh bắt cá truyền thống và được chỉ dẫn cụ thể để tránh những khu vực khả năng có lầy, sụt lún, hoặc những chỗ có hố, vực sâu, ghềnh đá có hà, hàu... Những trải nghiệm thực tế này đã giúp chúng tôi thêm yêu cảnh đẹp ở Quan Lạn và có những kỷ niệm không thể nào quên”.
Thành công từ sản phẩm du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân” của xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) hiện lan tỏa, nhiều địa phương học tập, nhất là các địa phương với lợi thế về biển đảo như: Hải Hà, Cô Tô, Móng Cái.. Việc nhân rộng loại hình này cộng thêm những dấu ấn đặc sắc riêng của từng địa phương đã khiến cho lượng khách tìm đến các xã đảo ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Sản phẩm du lịch tham quan và nuôi cấy ngọc trai Hạ Long cũng đã khá quen thuộc với du khách quốc tế từ những năm 2010. Đến tham quan tại cơ sở nuôi cấy ngọc trai của Công ty Ngọc trai Hạ Long, du khách trong và ngoài nước được tận mắt chứng kiến mọi quy trình hình thành hiện đại, chuyên nghiệp về nuôi cấy ngọc trai và việc tạo nên một viên ngọc quý từ việc nuôi cấy. Đây không chỉ là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm trang sức cao cấp làm quà kỷ niệm cho khách du lịch đến Quảng Ninh, đồng thời tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài tỉnh khám phá thêm một vẻ đẹp tiềm ẩn trong lòng di sản Vịnh Hạ Long. Điểm đặc biệt của mô hình này là ngọc trai chỉ có thể sống ở vùng nước sạch nên mô hình này có thể nhân rộng ở ngoài vùng di sản Vịnh Hạ Long, như: Vân Đồn, Hải Hà, Cô Tô.
Tiếp nối thành công từ mô hình du lịch làng quê Yên Đức, TX Đông Triều cũng đang triển khai mô hình trải nghiệm vườn trái cây ở làng quê Việt Dân. Việc phát triển du lịch ở đây đang được khởi động với mô hình thí điểm liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc), có trang trại tại Đông Triều, với 4 hộ tại thôn Tân Thành của xã Việt Dân. Theo đó, Công ty TNHH Han Nong liên kết các hộ làm vườn điển hình, hỗ trợ các hộ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch, đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp cũng như thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn. Tham gia mô hình, các hộ dân liên kết được Công ty chi trả 1 tháng lương cơ bản/tháng, hộ dân nơi Công ty đặt văn phòng nhận mức chi trả 10-15 triệu đồng/tháng.
Khi đưa du lịch vào xã theo mô hình trên, thôn Tân Thành là một điểm dừng chân trong hành trình tour Hà Nội - Hạ Long - Uông Bí, để khách tham quan, trải nghiệm khu miệt vườn cây trái ở đây. Mô hình trải nghiệm được thiết kế đơn giản, thuận theo tự nhiên, hoạt động canh tác của người nông dân vẫn diễn ra bình thường. Du khách khi tới đây có khoảng 40-45 phút trải nghiệm miệt vườn, có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp của người dân và được thưởng thức các loại trái cây trong vườn theo xu hướng “mùa nào thức ấy”…
Cùng với TX Đông Triều, hiện mô hình du lịch làng quê đang được phát triển ở nhiều địa phương khác, gắn với các sản phẩm OCOP đặc thù, như: Trải nghiệm hái cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn); trải nghiệm hái ổi Hoành Bồ (TP Hạ Long), hay mô hình tham quan đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà).
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm... Do đó, có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.
Đánh giá về nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Du lịch nông nghiệp sẽ giúp Quảng Ninh đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo thêm sức hút cho du khách, gia tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, du lịch nông nghiệp tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh trong tỉnh mà mới chỉ phát triển lẻ tẻ, tự phát chưa có quy hoạch chiến lược cụ thể, chưa có tuyên truyền, quảng bá đủ mạnh để tạo thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Nên thực tế vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm du lịch nông nghiệp đã rất phát triển ở các địa phương khác, như: Du lịch Bản Lác (tỉnh Hòa Bình), du lịch Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Bắc Hà (tỉnh Lào Cai)... Dưới góc độ là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, rất cần đưa du lịch nông nghiệp vào quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()