Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:15 (GMT +7)
Triển vọng bật tăng mạnh mẽ của ngành bán lẻ năm 2023
Thứ 4, 25/01/2023 | 11:11:15 [GMT +7] A A
Sau dịch COVID-19, ngành bán lẻ Việt Nam đang từng bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua.
Theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), hiện có trên 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước dịch COVID-19.
Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tin tưởng triển vọng kinh doanh năm 2023 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - bà Vũ Thị Hậu cho rằng, ngành bán lẻ có được kết quả này là nhờ đòn bẩy từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, sự hồi phục ở mọi lĩnh vực đã trở lại. Nhu cầu của người tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam.
Đặc biệt trong dịp đầu năm mới 2023 và Tết Quý Mão vừa qua, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại đang được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước cũng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mua sắm gia tăng.
Theo bà Vũ Thị Hậu, hiện các nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu; các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản.
Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết, hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Từ đó đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Bộ Công Thương còn khuyến nghị, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong phương thức mua sắm đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước phải thay đổi phương thức tổ chức để giữ được thị phần, giữ được lợi thế "sân nhà", trước mắt là tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, cùng với những kênh bán hàng truyền thống, cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử...
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()