Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:18 (GMT +7)
Triển lãm ‘Vẽ phái đẹp’ trên chất liệu lụa và sơn mài
Chủ nhật, 30/10/2022 | 14:07:41 [GMT +7] A A
Vẽ phái đẹp không dễ - đụng đến đâu có vấn đề cần giải quyết đến đó, đặc biệt với hai chất liệu tranh lụa và sơn mài.
Triển lãm ‘Vẽ phái đẹp’ của hai họa sĩ Ngô Thành Nhân và Lê Hường đem đến một không khí mới, cách nhìn mới cho mùa Giáng sinh năm 2022.
Hoạ sĩ Ngô Thành Nhân được biết tiếng chuyên sáng tác trên chất liệu sơn mài. Một trong những điểm mạnh của hoạ sĩ Ngô Thành Nhân là khi vẽ tranh sơn mài, ông tạo nên nhiều lớp mầu phía trong, khi phủ cánh gián lên thì thấy được chiều sâu đó như có ánh sáng hắt ra.
Trong sơn mài, màu được ông chôn phía dưới, rồi sử dụng kim loại như vàng, bạc bên ngoài, tạo hắt sáng. Nhờ đó ánh sáng tự nhiên được “bắt”, phản chiếu lại, gây nên cảm giác thấy được ánh sáng mà ảo diệu như không thật, vì ánh sáng ẩn phía trong.
Khi vẽ sơn dầu hay Acrylic, ông cũng làm như vậy để người xem thấy được các chiều sâu, sáng và sang. Từ đó tạo nên phong cách của riêng ông.
Đã định hình trong sáng tác của anh với nhiều cuộc triển lãm chuyên đề về sơn mài ở trong nước và nước ngoài, với các đề tài khác nhau từ phong cảnh đất nước, chân dung, tĩnh vật, các đề tài khác phản ánh đời sống xã hội mới như môi trường, học sinh, sinh viên…
Trong triển lãm chuyên đề sơn mài lụa lần này họa sĩ cho công chúng được thưởng thức 31 bức tranh sơn mài vẽ về phái đẹp.
Bằng thủ pháp ước lệ trong tranh, họa sĩ đã vẽ người đẹp với những mảng hình đơn giản nhưng ẩn chứa nỗi niềm trong từng nhân vật, với chất liệu sơn mài sử dụng vàng, bạc, vỏ trứng đỏ, đen, nâu tạo nên một diện mạo mới cho cách vẽ chân dung tranh sơn mài.
Vẫn cách vẽ tuần tự, từng bước của sơn mài truyền thống, đi nét, dát vàng bạc, tô mảng màu, chồng nhiều lớp, sắc độ thay đổi… sau đó được họa sĩ mài rất lâu để cho từng lớp màu được hiện lên dần dần, cuối cùng sẽ được một hòa sắc đẹp của một bức chân dung sơn mài.
Với mảng đề tài tranh khỏa thân, họa sĩ Ngô Thành Nhân lại sử dụng lối vẽ rất đơn giản thể hiện trên nền vóc sơn ta những hình kỷ hà đã được họa sĩ tìm tòi trong các lần vẽ trực họa mẫu khỏa thân.
Cách thức thể hiện lên một tranh đẹp thì họa sĩ rất thuộc bài, nhưng trong các sáng tác mới về đề tài khỏa thân thì với khả năng ngẫu hứng của mình họa sĩ đã cho công chúng thấy sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại trong bút pháp, hình ẩn dụ và màu đơn giản. Tất cả tạo nên không gian lãng mạn đầy triết lý của cuộc sống.
Nhận xét về tranh của họa sĩ Ngô Thành Nhân – họa sĩ Lê Hường bộc bạch: “Với tay nghề của họa sĩ Ngô Thành Nhân đã được khẳng định qua nhiều cuộc triển lãm. Về chất liệu sơn mài họa sĩ đã làm mưa, làm gió. Trong mỗi bức tranh của họa sĩ là nỗi niềm và ký ức ẩn chứa trong tâm hồn nghệ sĩ.
Đặc biệt tôi tìm thấy trong tranh của Ngô Thành Nhân những kỹ thuật, cảm xúc dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Kỹ thuật đi nét trong tranh sơn mài và tranh lụa có tính tương đồng, kết hợp giữa mảng màu và các chi tiết tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh”.
Còn họa sĩ Lê Hường với niềm say mê và khát vọng nhiệt thành, bằng tài năng cùng với cảm xúc của mình họa sĩ đã đem lại một diện mạo mới cho tranh lụa Việt Nam. Triển lãm gồm 34 tranh lụa về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Dưới nhãn quan của họa sĩ, hình ảnh người phụ nữ với các góc nhìn khác nhau đã được họa sĩ miêu tả trong từng bức tranh, mỗi tranh là một cảm xúc và nỗi niềm của từng nhân vật. Với lối bố cục và tạo hình tối giản, họa sĩ đã thể hiện và nhấn mạnh vào nhiều khía cạnh của các trạng thái nhân vật.
Đồng thời cho thấy được những góc nhìn mở mà mọi người ít hoặc không để ý tới. Với đường nét mềm mại của người phụ nữ, họa sĩ đã cho mọi người được thưởng thức cách vẽ nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực, cho thấy bản năng, tính cách mạnh mẽ của họa sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
Với tranh lụa, họa sĩ Lê Hường luôn trung thành với cách vẽ – sử dụng kỹ thuật nhuộm màu truyền thống của các họa sĩ bậc thầy đi trước và của các nhóm vẽ tranh lụa các nước châu Á. Đặc biệt với mỗi bức tranh, họa sĩ rất công phu nhuộm “vẽ” rất nhiều lần để mỗi lần màu lại ngấm thêm vào lụa, rồi lại ngấm thêm – cứ thế, dần dần cho ra một hiệu quả thẩm mỹ rất đậm đà về sắc độ, sâu lắng về không gian và trong trẻo về hòa sắc.
Với ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện, tối giản và thông qua cảm xúc, các tác phẩm đã được họa sĩ thể hiện một cách mộc mạc, đơn giản và khúc triết về đường nét nhưng rất tinh tế về tạo hình nhân vật. Kết hợp khéo léo những hình tượng dân gian trong phong cách tạo hình hiện đại.
Về màu sắc, được họa sĩ sử dụng những gam màu mạnh, tương phản rực rỡ (vốn thường được thấy ở các chất liệu như Acrylic, sơn dầu và các chất liệu khác). Tuy nhiên ở tranh lụa của Lê Hường màu sắc được kết hợp một cách rất kỳ lạ.
Những mảng màu rất tươi, rất mạnh, rất khó dùng trong tranh lụa được họa sĩ phối kết hợp một cách rất duyên, nhuần nhuyễn và mềm mại. Đây chính là yếu tố chính để tạo nên một phong cách rất riêng của họa sĩ Lê Hường, đặc biệt là trên chất liệu lụa.
Chủ đề lựa chọn cho sáng tạo nghệ thuật xuyên suốt cho đến thời điểm này của họa sĩ Lê Hường hầu hết là những hình tượng về phái đẹp – hình tượng người phụ nữ – vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa…
Những đường cong của cơ thể người phụ nữ được họa sĩ khai thác nhiều khía cạnh thông qua các hoạt động trong cuộc sống và cảm xúc nội tại của mình trước những nét đẹp thuần khiết của tự nhiên.
Chia sẻ với với đồng nghiệp về câu hỏi của họa sĩ đàn anh Ngô Thành Nhân: Màu được sử dụng thế nào? Họa sĩ Lê Hường cho biết về quan niệm sáng tác – hay nói vui là “bí quyết” tạo nên hòa sắc trong tranh: Ngoài những chất liệu màu nước chuyên biệt để vẽ lụa như màu của Nga, Trung Quốc… còn phối kết hợp với các chất liệu khác thuộc nguyên liệu phù hợp với lụa như màu xanh chàm của người Mông – màu được làm từ lá chàm để nhuộm vải, màu được chế từ củ nâu để nhuộm vải của người dân tộc phía Bắc, màu bằng cafe đặc đen của người Ê đê.
Nói chung là tìm được những chất liệu gì có thể vẽ lụa được là có thể thử nghiệm. Qua đó chắc chắn sẽ cho ra một cảm giác lạ về kết quả của sự tổng hòa của nhiều chất liệu thiên nhiên, tạo ra hiệu ứng lạ về thị giác về một tác phẩm có dấu ấn của dân gian Việt Nam trong tạo hình đương đại.
Họa sĩ Lê Hường còn may mắn được họa sĩ, nhà điêu khắc bậc thầy Lê Công Thành và vợ là họa sĩ Kim Thái nhận làm con nuôi. Ông bà đã truyền tải những kinh nghiệm cũng như cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho họa sĩ từ cách nhìn, kỹ thuật sáng tác, đến lựa chọn ngôn ngữ tạo hình sao cho phù hợp… Sự động viên đó cộng với tình yêu nghệ thuật và khát vọng đã cho họa sĩ một thành công bước đầu khi tác phẩm được đánh giá tốt.
Họa sĩ Lê Hường chia sẻ thêm: Một câu nói của bố Thành đã in đậm trong tôi - “Vẽ khỏa thân phải nhìn ra cái thánh thiện của người mẫu, tránh để người thưởng thức có cảm giác dung tục đấy mới là nghệ thuật”. Tôi đã thấm đậm câu nói ấy, thực hiện lời dạy bảo ấy, đã vẽ và sáng tác những tác phẩm trên chất liệu lụa thông qua cảm xúc nội tại của mình trên nền tảng quan niệm về vẽ phái đẹp mà người cha – người thầy đã dạy bảo”.
Triển lãm ‘Vẽ phái đẹp’ diễn ra từ ngày 1 – 7/11, tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật – Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo Giáo dục và Thời đại
Liên kết website
Ý kiến ()