Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:58 (GMT +7)
Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Thứ 7, 04/09/2021 | 08:30:07 [GMT +7] A A
Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới được ban hành ngày 12/8/2021, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Kết luận 12-KL/TW cụ thể hóa nhiệm vụ Đại hội Đảng XIII đề ra: “Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước”; tiếp tục khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
6 nhiệm vụ then chốt
Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước phát triển. Đại bộ phận đồng bào có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được củng cố.
Để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Một trong những nhiệm vụ then chốt được Bộ Chính trị nêu rõ, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại, trở thành cầu nối và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Cùng với việc triển khai biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta ở nước sở tại, Bộ Chính trị nêu rõ cần khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài học và giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12-KL/TW có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.
Cùng với đó, Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng chính đáng, từ đó động viên, khích lệ đồng bào tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và hướng về quê hương, đất nước.
“Các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận 12 cùng với Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị rất tổng thể và toàn diện. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể và địa phương sớm tổ chức quán triệt, triển khai và đưa Kết luận 12 đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài
Nhất trí với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 12, Tiến sỹ Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc cho rằng, 6 nhiệm vụ, giải pháp đã quan tâm đúng mức, khẳng định tính cấp thiết trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới; đồng thời tin tưởng sẽ khuyến khích, động viên và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài.
Theo ông Trần Hải Linh, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giá trị thặng dự kinh tế là tiêu chí đánh giá chính. Việt Nam đang ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có phương thức quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Do vậy, việc tăng cường vai trò đại diện của kiều bào tiêu biểu (là người hiểu được rõ cả 2 phía cung cầu) trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng Việt Nam phác thảo những chương trình, kế hoạch mang định hướng chiều sâu, thu hút đầu tư và phối hợp đầu tư có hiệu quả rất quan trọng và cần thiết trong thời gian tới”, ông Trần Hải Linh nhấn mạnh.
Chị Ngô Liên Hương, kiều bào Canada cho biết, hiện nay người Việt ở nước ngoài rất chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Ở mọi vùng miền của Canada, cộng đồng người Việt Nam luôn cố gắng duy trì các hoạt động văn hóa như lễ hội, Tết cổ truyền, Tết Trung Thu... Các gia đình có con nhỏ luôn nỗ lực dạy con biết nói, biết đọc tiếng Việt. Các cộng đồng người Việt Nam có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng thư viện tiếng Việt, lớp học Tiếng Việt, thậm chí tổ chức cuộc thi tiếng Việt để các thế hệ sau có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa dân tộc.
Ngay sau khi Kết luận 12 của Bộ Chính trị được ban hành, kiều bào Ngô Liên Hương bày tỏ nhất trí cao với nhiệm vụ đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chị Ngô Liên Hương cho rằng, chỉ đạo này sẽ góp phần quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt cho kiều bào, đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống. Đặc biệt, chị Ngô Liên Hương mong rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.
Chị Ngô Liên Hương cho rằng, mối liên kết về ngôn ngữ, văn hóa sẽ góp phần phát huy truyền thống đoàn kết và tương thân tương ái của đồng bào ta dù ở bất cứ nơi đâu. Điển hình, trong đợt dịch COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, đồng lòng, sát cánh và chia sẻ với đồng bào trong nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.
Nhiều đề xuất đẩy lùi dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước, các kiều bào đã gửi nhiều sáng kiến, đề xuất tâm huyết nhằm đẩy lùi đại dịch. Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ, trên thế giới, Nga là nước có tỷ lệ mắc và tử vong cao do COVID-19. Đến nay, tình hình xã hội tại Nga đã dần ổn định trở lại, hệ thống y tế cũng dần thích nghi được sau áp lực của đại dịch gây ra. Vừa qua, dự án “Đồng lòng Việt Nam” được cộng đồng người Việt Nam tại Nga triển khai từ ngày 15/8. Đến nay, số tiền ủng hộ đã lên đến khoảng 130.000 USD từ kiều bào Việt Nam sinh sống tại 26 tỉnh, thành phố tại Liên bang Nga. Số tiền này sẽ được bàn giao cho cơ quan đại diện của Việt Nam tại Liên bang Nga để mua vaccine phòng COVID-19, hỗ trợ Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, ông Trần Bá Phúc chia sẻ, dù ở xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt Nam tại Australia rất quan tâm đến tình hình dịch COVID-19 trong nước. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Australia đang nỗ lực vận động Chính phủ Australia để viện trợ vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam mua vaccine sản xuất tại Australia.
Tiến sỹ Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc đề xuất, tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, muốn người dân chấp hành nghiêm việc “ai ở đâu ở yên đó”, cần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội về thực phẩm, thuốc điều trị; đồng thời miễn, giảm tiền điện nước, thuê nhà, giãn nợ ngân hàng... để hỗ trợ những người khó khăn.
Cùng với việc đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, kiều bào Hàn Quốc cho rằng, các tỉnh, thành phố cần áp dụng các công cụ để số hóa, đẩy nhanh tiến độ hiển thị và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống, từ đó giúp bộ phận y tế và các lực lượng hỗ trợ điều phối nhân lực, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch sẽ có thể theo dõi và quan sát mọi lúc, mọi nơi để đưa ra quyết định kịp thời, phù hợp cho từng người dân.
Ông Trần Hải Linh tin tưởng, với tinh thần quyết tâm, đồng lòng của người dân và chính quyền, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng dịch COVID-19 như những cuộc chiến trước đó, quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()