Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:27 (GMT +7)
Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ: Nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả
Thứ 3, 14/09/2021 | 09:22:41 [GMT +7] A A
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai linh hoạt, nhanh chóng nhiều giải pháp, để các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Với khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ góp phần phục hồi sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Để đưa các chính sách đến với người thụ hưởng, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch; tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện. Các ngành, địa phương trong tỉnh cũng nhanh chóng vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân, người lao động nhận thức rõ quyền lợi, chế độ, thiết lập hồ sơ và mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, tích cực rà soát, thống kê, hướng dẫn các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ để làm hồ sơ.
Tại TP Hạ Long, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch; thành lập Hội đồng thẩm định, tổ giúp việc để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường niêm yết công khai kế hoạch triển khai tại các nhà văn hóa thôn, khu; Phòng LĐ-TB&XH thành phố gửi kế hoạch đến từng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn để người dân và doanh nghiệp biết, làm hồ sơ.
Sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban, xã, phường trên địa bàn thành phố đã đem lại hiệu quả nhanh chóng. Qua đó, toàn thành phố đã có hàng trăm người dân được thụ hưởng chính sách, hàng trăm người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt. Cụ thể, tính đến ngày 8/9/2021, thành phố đã hỗ trợ cho 167 lao động của 16 doanh nghiệp với số tiền 667 triệu đồng; hỗ trợ cho 254 hộ kinh doanh tại 21 phường với số tiền 762 triệu đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh đã rà soát, hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp, 427 lao động trên địa bàn, với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho 5 đơn vị với 86 lao động với dự kiến số tiền cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh trên 1 tỷ đồng. Cơ quan BHXH tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 2.735 doanh nghiệp trên địa bàn với 131.372 người lao động; hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với 505 người lao động...
Cùng với TP Hạ Long, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện. Tính đến hết ngày 9/9, Quảng Ninh đã hỗ trợ cho trên 209.337 người, gần 5.500 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, tổng số tiền trên 35,3 tỷ đồng. 12 nhóm chính sách của Nghị quyết đều đang được các ngành, lĩnh vực, địa phương tích cực triển khai theo đúng quy định, như: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất; hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn...
Cùng với việc triển khai nhanh chóng, kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, so với Nghị quyết 68/NQ-CP, Quảng Ninh có thêm 2 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, gồm: Nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát của tỉnh đến cuối năm 2020 và phát sinh trong đầu năm 2021 mà không được hưởng chế độ trợ cấp đặc biệt khác; nhóm đối tượng là lao động tự do, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh đang làm những công việc: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không cố định, làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ thuyền tại công trình xây dựng... mà phải nghỉ việc, mất việc do phải cách ly y tế hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo phòng chống dịch trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021.
Hiện các địa phương cũng đang tích cực rà soát, thống kê để khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có khoảng 25.000 người được thụ hưởng chính sách này, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 32 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người lao động và người sử dụng lao động phải đối mặt với không ít khó khăn. Việc tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng, kịp thời đưa các chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()