Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
Trí tuệ Việt tỏa sáng ở Hong Kong (Trung Quốc)
Thứ 7, 16/12/2023 | 10:04:54 [GMT +7] A A
Lần đầu tiên trình làng tại Triển lãm sáng tạo và phát minh khu vực châu Á diễn ra ở Hong Kong (AEII2023, Trung Quốc), kỹ thuật mới ứng dụng trong sản xuất linh kiện bán dẫn dựa trên vật liệu 2 chiều (2D) - phát minh của nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ thuộc trường Đại học Thành phố Hong Kong (CityU) - đã được ban giám khảo quốc tế đánh giá cao và trao Huy chương Bạc. Tiến sĩ Thi Quốc Huy và nghiên cứu sinh Liu Haijun đại diện cho nhóm thuyết trình kỹ thuật và nhận giải tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Hong Kong.
Phó Giáo sư Lý Thục Huệ - Trưởng nhóm nghiên cứu về công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu 2D tại CityU, là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Thi Quốc Huy là cựu sinh viên Đại học Khoa Học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, hiện đang thực hiện nghiên cứu tại 2 trường đại học lớn là CityU và Đại học Bách Khoa Hong Kong.
Vào tháng 8 năm nay, kỹ thuật mới của nhóm đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương Vàng Cuộc thi quốc tế về sáng tạo và phát minh tổ chức tại Canada, giải thưởng đặc biệt của Hiệp hội Quốc tế về sở hữu trí tuệ phát minh và giải đặc biệt từ Quỹ sáng tạo độc đáo thuộc Saudi Arabia.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Tiến sĩ Thi Quốc Huy cho biết nhiều kỹ thuật mới trong chế tạo và biến tính vật liệu 2D đã được nhóm nghiên cứu phát triển thành công nhằm phục vụ cho các ứng dụng thực tiễn khác nhau. Tiến sĩ Thi Quốc Huy cũng hy vọng rằng liên kết hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo sẽ được chú trọng phát triển, góp phần thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vật liệu tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vật liệu 2D trong tương lai.
Vật liệu 2D là vật liệu siêu mỏng với độ dày bé hơn 20.000 lần đường kính sợi tóc và có thể lắp ghép linh hoạt từng lớp vật liệu 2D với nhau để tổ hợp thành những đặc tính riêng biệt. Ứng dụng của vật liệu 2D đang phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực chế tạo linh kiện điện tử, quang học, năng lượng, cảm biến siêu nhạy sử dụng trong y học và xử lý môi trường. Tuy nhiên, quy trình di chuyển và lắp ghép các lớp vật liệu 2D có độ dày ở kích thước nguyên tử là một thách thức lớn.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ đã phát minh ra kỹ thuật mới sử dụng bề mặt băng ở nhiệt độ thấp, thay thế cho kỹ thuật cũ sử dụng vật liệu polymer, để di chuyển và lắp ghép vật liệu 2D đơn lớp. Kỹ thuật mới này có thể đảm bảo độ sạch của vật liệu 2D trong quá trình di chuyển và lắp ghép. Linh kiện điện tử dựa trên vật liệu 2D được lắp ghép bằng kỹ thuật mới có độ dẫn điện cao gấp 100 lần so với linh kiện được lắp ghép bằng kỹ thuật cũ. Ngoài ra, lớp băng 2D còn có tác dụng làm sạch và bôi trơn bề mặt vật liệu 2D được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực cảm biến và cơ học.
Kỹ thuật sử dụng bề mặt băng ở nhiệt độ thấp được nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ phát triển và đang nộp 3 bằng sáng chế Mỹ. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của nhóm về kỹ thuật trên được công bố trên các tạp chí Q1 có uy tín cao trong ngành vật liệu tiên tiến và vật liệu nano là Advanced Materials (doi.org/10.1002/adma.202210503) và Nano Letters (doi.org/10.1021/acs.nanolett.2c04573).
Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ đang nhận được tài trợ từ Quỹ các nhà khoa học trẻ xuất sắc với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu về vật liệu 2D và phát triển linh kiện điện tử và quang điện thế hệ mới dựa trên vật liệu 2D. Phó Giáo sư Huệ chia sẻ trên website của nhóm: “Chúng tôi đang nỗ lực tìm hiểu cơ sở khoa học thông qua cấu trúc, tổng hợp, xử lý, đặc tính và ứng dụng của các loại vật liệu. Chúng tôi hy vọng thông qua nỗ lực của mình, các vật liệu tiên tiến có thể được điều chỉnh thích hợp cho các ứng dụng thiết yếu trong cuộc sống hiện đại, trong khi các vật liệu thông thường có thể được trao cho sức sống mới!”
Hiện nay, Phó Giáo sư Lý Thục Huệ đang nộp 8 bằng sáng chế Mỹ và sở hữu nhiều công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có hơn 10 công bố trên hệ thống tạp chí trực thuộc Nature, về công nghệ và kỹ thuật ứng dụng vật liệu 2D.
Tiến sĩ Thi Quốc Huy bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ với 15 công bố khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục Q1 (trong đó có 8 bài là tác giả chính hoặc đồng tác giả chính) và đang nộp 3 bằng sáng chế Mỹ.
Đại học Thành phố Hong Kong (CityU) đã đạt được kết quả ấn tượng tại Triển lãm sáng tạo và phát minh châu Á lần thứ 3. Các đội tham gia đã giành được tổng cộng 24 giải thưởng, trong đó có Giải đặc biệt IFIA, hai Huy chương Vàng kèm theo lời khen của ban giám khảo, 5 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, con số cao nhất trong số các trường đại học ở Hong Kong.
AEII là triển lãm kiêm cuộc thi thường niên của châu Á dành riêng cho những đổi mới và phát minh từ châu Á sẽ được tổ chức tại Hong Kong, hợp tác với Palexpo, Geneva, nhà tổ chức Triển lãm Sáng chế Quốc tế Geneva.
Triển lãm sáng tạo và phát minh châu Á lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 7- 8/12, thu hút sự tham gia của hơn 110 đội đến từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Nga, Hàn Quốc và Thái Lan. CityU đã trưng bày tổng cộng 23 phát minh và giành được 24 giải thưởng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()