Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 00:07 (GMT +7)
Không để tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ 6, 17/02/2023 | 07:00:00 [GMT +7] A A
Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, với những giải pháp cụ thể và tầm nhìn dài hạn. Trọng tâm là đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tận dụng triệt để sức lan tỏa của CNTT, bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, không để tụt hậu về công nghệ, mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao...
Những bước tiến ban đầu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo nên nhiều kỳ tích phục vụ cho nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính. Từ khi đưa vào vận hành hệ thống “Trợ lý ảo iSee”, việc giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã có những kết quả tích cực, nhanh chóng, thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến làm việc tại đây.
Với công cụ này, để thực hiện việc hỏi đáp, người dùng chỉ cần vào Cổng dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ https://dichvucong.quangninh.gov.vn/), fanpage, zalo của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nhắn tin, hoặc nói nội dung, trợ lý ảo sẽ lập tức phản hồi những thủ tục liên quan để tham khảo. Tiếp đó, người dùng có thể nhấn chọn thủ tục mà mình quan tâm và chọn nội dung để xem thông tin chi tiết.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Việc triển khai “Trợ lý ảo iSee” hỗ trợ giảm tải cho các cán bộ hành chính nhà nước trong việc giao tiếp, hướng dẫn người dân giải quyết TTHC, cũng như giải đáp các chính sách của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhận được 4.533 phiếu đánh giá của tổ chức và cá nhân, với 100% phiếu đánh giá rất hài lòng và hài lòng về chất lượng phục vụ, giải quyết các TTHC tại trung tâm.
Ngoài cải cách hành chính, nhờ áp dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng đang từng bước làm chủ được kỹ thuật khó, phục vụ tốt hơn trong việc thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2021 đã đưa vào khai thác phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị đột quỵ não. Nhờ đó đã mở rộng “thời gian vàng” điều trị đột quỵ lên đến 24 giờ thay vì dưới 6 giờ như trước kia, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đột quỵ nặng, giảm nguy cơ tử vong và tàn tật cho người bệnh.
Bên cạnh đó, ở những lĩnh vực khác, như sản xuất kinh doanh, công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo cũng đang được các doanh nghiệp trong tỉnh ưu tiên, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, cũng như tăng năng suất, chất lượng.
Tiêu biểu như Công ty Nhiệt điện Mông Dương với hệ thống giám sát và chẩn đoán từ xa (RMS), phần mềm theo dõi và thu thập số liệu thông số môi trường tại các trạm quan trắc tự động; TKV với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, người máy, thu thập phân tích dữ liệu lớn (big data) trong điều hành, sản xuất, khai thác, kinh doanh than; Điện lực Quảng Ninh với phần mềm tính toán NEM&O để tính toán tổn thất lưới điện…
Bắt đúng nhịp, đi đúng hướng
Để tăng cường tiềm lực KHCN, bắt nhịp kịp thời với bước tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây Quảng Ninh đã tập trung hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức chủ động tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đầu tư, phát triển các hạ tầng thiết yếu, như CNTT, thanh toán số, an toàn thông tin… Hiện toàn tỉnh có 6.750 trạm BTS, trong đó có 2.676 trạm băng thông rộng (4G, 5G). Cáp quang phủ rộng tới 100% xã, tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt trên 98%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành KHCN, trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với bản chất là chuyển đổi số và trực tuyến, hầu hết các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh mới chỉ ứng dụng công nghệ ở giai đoạn đầu và hiện mới chỉ ứng dụng được một số ít các công nghệ phổ biến. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoàn toàn chưa áp dụng công nghệ số vào quản lý và sản xuất, nhiều dây chuyền sản xuất còn mang tính bán tự động hoặc thủ công. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang còn ít và hoạt động chưa thực sự hiệu quả...
Khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, trong thời gian tới Sở KH&CN sẽ tập trung thúc đẩy các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai kế hoạch hành động thích ứng với những thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; ưu tiên xét chọn, tuyển chọn những nhiệm vụ KHCN áp dụng công nghệ mới. Đồng thời, tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai một số giải pháp trọng tâm là tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng kết nối số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ, phát triển công nghệ sản xuất mới. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, công nghệ sinh học, điện tử phục vụ xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, du lịch thông minh, thành phố thông minh...
Ngành cũng sẽ quan tâm tuyên truyền, phổ biến về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên các ấn phẩm, website, phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp qua hội nghị để cộng đồng hiểu đúng, tận dụng cơ hội, bắt đúng nhịp, đi đúng hướng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()