Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:53 (GMT +7)
Trẻ em mắc đái tháo đường do đâu?
Thứ 7, 15/04/2023 | 16:09:41 [GMT +7] A A
Nhiều người cho rằng đái tháo đường có tính chất gia đình, nên con mình không thể mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng, vì đái tháo đường ngày càng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Đái tháo đường nguyên nhân chính thường liên quan đến lối sống, như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột)… sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là tình trạng đường máu tăng cao. Được chẩn đoán tiểu đường là khi đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l.
- Riêng ở trẻ, tiểu đường type 1 là hay gặp nhất: Tiểu đường type 1 hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin.
Nghĩa là bệnh nhi mắc bệnh tiểu đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.
- Với tiểu đường type 2 là sự đề kháng Insulin: Thông thường tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin.
Ở tiểu đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với Insulin và rơi vào tình trạng thiếu Insulin. Ngoài ra, còn có thể gặp tiểu đường ở trẻ sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi).
Trẻ em mắc bệnh tiểu đường do nguyên nhân nào?
Bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến, nhiều tác giả đồng thuận đây là bệnh xếp thứ 3 trong số các bệnh mạn tính ở trẻ em. Trước đây, khi nói đến tiểu đường trẻ em, hầu như là tiểu đường type 1. Tuy nhiên, ngày nay trẻ em thừa cân, béo phì đang gia tăng, dẫn đến tỉ lệ tiểu đường type 2 ở trẻ khá phổ biến.
Đối với tiểu đường type 1 ở trẻ cũng như người lớn có nguyên nhân rất phức tạp, vẫn còn chưa được hiểu rõ. Tiểu đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường. Nếu một người được quy định bởi gen có khuynh hướng xuất hiện bệnh tiểu đường mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt trong môi trường, thì bệnh tiểu đường có thể sẽ xuất hiện.
Đối với tiểu đường type 2 thì tỷ lệ bệnh nhân là trẻ em, thanh thiếu niên đang ngày càng phổ biến. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống, do ít vận động, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Và yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường type 2.
Một số dạng đái tháo đường type 2 khác ít phổ biến hơn, có tác động đến những người không bị béo phì và thường có ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố di truyền.
Biểu hiện trẻ mắc tiểu đường có thể bị nhầm lẫn
Khi mắc tiểu đường khiến lượng đường huyết của người bệnh tăng trên mức bình thường (gấp 5 - 10 lần so với bình thường). Lượng Glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước. Bởi vậy, người bệnh tiểu đường sẽ có cảm giác khát nước tăng lên, do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước và những người bệnh có thể uống rất nhiều nước.
Người bệnh tiểu đường có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Do đó, trẻ mắc tiểu đường sẽ có biểu hiện khá rõ là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc, do cơ thể không được khỏe. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ cho rằng trẻ học hành áp lực, vui chơi quá mức hoặc vì một lý do nào đó dẫn đến tình trạng trên.
Khi cha mẹ thấy các biểu hiện của trẻ như: Tiểu đêm thường xuyên hay khát nước, uống nhiều nước. Trẻ sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc… cần nghĩ con có thể mắc tiểu đường và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Hoặc một số dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường thường gặp như: Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da, đau bụng, học lực giảm sút do cơ thể không khỏe, hay đói.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị tiểu đường?
Trên thực tế cho thấy bệnh tiểu đường type 1 không thể ngăn ngừa được, vì không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường type 2 không giống như tiểu đường type 1, sự tăng cân quá mức dẫn đến béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Vì vậy, cha mẹ có thể thực hiện các nguyên tắc sau để có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
- Cần có một chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ
Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một trong những yếu tố nguy và cơ chính gây ra bệnh tiểu đường type 2.
- Cho trẻ ăn uống khoa học
Thức ăn, đồ uống có đường cần tránh cho trẻ dùng nhiều. Vì khi trẻ dùng quá nhiều thực phẩm và đồ uống chứa đường như: Bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, nước trái cây có đường... trẻ sẽ bị tăng cân quá mức, dẫn đến béo phì… có nguy cơ cao mắc tiểu đường.
- Thường xuyên giúp trẻ hoạt động thể chất
Cha mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động thể chất, duy trì hoạt động thể thao sẽ giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2. Tránh tình trạng ít vận động, không cho trẻ ngồi sử dụng các thiết bị điện tử, xem ti vi quá nhiều, vì điều này sẽ khiến trẻ ngại vận động.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()