Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:28 (GMT +7)
Trẻ dùng công nghệ sớm, ít muốn nói chuyện với cha mẹ
Thứ 4, 06/03/2024 | 16:58:44 [GMT +7] A A
Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ trong thời gian dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn làm giảm các cuộc trò chuyện với cha mẹ, vốn là yếu tố quan trọng trong gắn kết mối quan hệ gia đình và giáo dục.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh: trẻ mới biết đi tiếp xúc với màn hình càng nhiều, càng có ít tương tác với cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Điều này có thể bao gồm nói ít hơn, nghe ít hơn và ít trao đổi với người lớn hơn, so với các trẻ không dành nhiều thời gian dùng thiết bị công nghệ.
Những phát hiện được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, góp phần đưa ra các bằng chứng nhằm xác nhận các tác hại thực tế của công nghệ.
Không chỉ liên quan đến tỉ lệ béo phì, trầm cảm và hiếu động thái quá cao hơn ở trẻ em, tiếp xúc với màn hình nhiều làm hạn chế các tương tác trực tiếp trong gia đình, với những tác động lâu dài đáng lo ngại.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng việc lớn lên trong môi trường giàu ngôn ngữ là điều quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ sớm. Tiếp xúc với ngôn ngữ sớm có liên quan đến sự phát triển xã hội, chỉ số IQ cao và thậm chí chức năng não tốt hơn.
Với giá trị này, các nhà nghiên cứu muốn xem xét các yếu tố tiềm ẩn trong môi trường gia đình có thể làm gián đoạn cơ hội tương tác bằng lời nói của cha mẹ với con cái.
Các nghiên cứu trước đây về tác động của công nghệ chủ yếu kiểm tra việc sử dụng thiết bị di động của cha mẹ thay vì của trẻ, đồng thời dựa vào các biện pháp tự báo cáo thời gian sử dụng thiết bị thay vì giám sát tự động.
Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi Mary E. Brushe, nhà nghiên cứu tại Viện Trẻ em Telethon thuộc Đại học Tây Úc, đã thu thập dữ liệu từ 220 gia đình trên khắp Nam Úc, Tây Úc và Queensland có trẻ sinh vào năm 2017.
Sáu tháng một lần cho đến khi lên 3, trẻ em mặc áo đính kèm bộ xử lý ngôn ngữ kỹ thuật số tự động. Qua đó, theo dõi mức độ tiếp xúc của chúng với một số loại tiếng ồn điện tử, cũng như ngôn ngữ mà trẻ, cha mẹ hoặc người lớn khác nói.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến ba thước đo ngôn ngữ gồm: lời nói của người lớn, cách phát âm của trẻ em và cách diễn đạt trong cuộc trò chuyện.
Họ lập mô hình cho từng thước đo riêng biệt và điều chỉnh kết quả theo độ tuổi, giới tính và các yếu tố khác, chẳng hạn như trình độ học vấn của người mẹ và số trẻ em trong nhà.
Nhiều ảnh hưởng tiêu cực
Nghiên cứu phát hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi, việc tăng thời gian sử dụng thiết bị sẽ cản trở cuộc trò chuyện.
Chẳng hạn, khi trẻ được 18 tháng tuổi, mỗi phút tiếp xúc với màn hình có liên quan đến việc trẻ phát âm ít hơn 1,3 lần. Khi trẻ 2 tuổi, thêm một phút có liên quan đến việc trẻ sẽ nói chuyện ít hơn 0,4 lần.
Mối liên hệ tiêu cực mạnh mẽ nhất xuất hiện khi trẻ 3 tuổi và tiếp xúc với màn hình trung bình 2 giờ 52 phút mỗi ngày.
Ở độ tuổi này, chỉ cần thêm một phút ngồi trước màn hình, trẻ bị giảm 6,6 từ vựng của người trưởng thành, giảm 4,9 lần phát âm của trẻ em và giảm 1,1 lượt trò chuyện.
Sarah Kucker, chuyên gia về phát triển ngôn ngữ và phương tiện truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Southern Methodist ở Dallas, nhấn mạnh việc hiểu được các sắc thái về cách thức và thời điểm phương tiện truyền thông được sử dụng trong môi trường rộng lớn hơn và dân số đông hơn là "bước quan trọng tiếp theo".
"Truyền thông sẽ không biến mất, nhưng chú ý đến cách thức và thời điểm sử dụng phương tiện truyền thông có thể là phương hướng tốt trong tương lai", tiến sĩ Kucker nói.
Lynn Perry, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, người nghiên cứu ngôn ngữ và tương tác xã hội ở trẻ mẫu giáo, cho biết các chuyên gia nên xem xét liệu các phương tiện truyền thông được thiết kế để cha mẹ và trẻ cùng xem có giúp tăng khả năng trò chuyện cùng nhau và giảm một số tác động tiêu cực của màn hình không.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()