Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:02 (GMT +7)
Trẻ bị sổ mũi kéo dài, mãi không khỏi cha mẹ nên làm gì?
Thứ 5, 10/11/2022 | 10:40:21 [GMT +7] A A
Chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến ở trẻ em, nhưng nếu tình trạng sổ mũi kéo dài không được khắc phục thì có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Chảy nước mũi là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh ở trẻ nhỏ. Tình trạng này kéo dài có thể làm tắc nghẽn mũi và dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, cha mẹ nên tìm chính xác nguyên nhân gây ra bệnh và tìm cách khắc phục nhanh chóng.
1. Một số bệnh lý gây ra tình trạng trẻ bị sổ mũi kéo dài
1.1. Viêm mũi dị ứng
Nghiên cứu cho thấy khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 19 bị mẫn cảm với ít nhất một chất gây dị ứng phổ biến, với phản ứng và viêm bên trong mũi là các triệu chứng phổ biến nhất.
Viêm mũi dị ứng là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một thứ gì đó trong môi trường (chẳng hạn như phấn hoa, bào tử nấm mốc, mạt bụi hoặc lông thú cưng) khi chúng ta hít vào.
Khi hệ thống miễn dịch hoạt động để chống lại và loại bỏ thứ mà nó coi là kẻ xâm nhập, lưu lượng máu và chất lỏng tăng lên. Người bị dị ứng có thể gặp các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa và bị đỏ da.
Khi tình trạng dị ứng kéo dài hoặc trầm trọng hơn, trẻ cũng có thể bị đau họng, đau đầu và ho. Dị ứng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến trẻ cảm thấy cáu kỉnh và không thể tập trung vào ngày hôm sau.
Hầu hết các bệnh dị ứng, chẳng hạn như dị ứng theo mùa đều gây khó chịu, nhưng không quá nghiêm trọng.
1.2. Cảm lạnh
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo bị cảm lạnh trung bình từ 6 đến 8 lần/năm. Chảy nước mũi là một triệu chứng của cảm lạnh thông thường, nguyên nhân là do nhiễm virus ở mũi và cổ họng. Ngoài ra, khi bị cảm lạnh, trẻ còn có thêm những triệu chứng khác như ho, hắt xì, viêm họng, sốt nhẹ.
Nếu điều trị đúng cách, 7-10 ngày trẻ sẽ khỏi các triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ có hệ miễn dịch kém, chưa được chăm sóc đúng cách nên một số triệu chứng có thể kéo dài, chẳng hạn như sổ mũi.
1.3. Cảm cúm
Virus cúm có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, gây ra các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho và ngứa cổ họng.
Virus gây bệnh cúm lây lan khi trẻ em tiếp xúc với chất tiết ở mũi của người bị bệnh và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
1.4. Viêm xoang
Xoang là tập hợp các không gian rỗng nằm xung quanh mắt, mũi và trán. Nếu một người bị cảm lạnh hoặc dị ứng, các xoang có thể bị viêm, tiết ra nhiều chất nhờn hơn bình thường. Nếu chất nhầy đó không thể thoát ra ngoài hiệu quả, các xoang có thể bị tắc nghẽn.
Vi trùng bị mắc kẹt trong xoang có thể dẫn đến viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang. Các triệu chứng viêm xoang bao gồm sốt, chảy nước mũi xanh và đau đầu.
Các bệnh trên đều gây ra triệu chứng sổ mũi ở trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ không được điều trị tích cực và phù hợp, tình trạng sổ mũi của trẻ sẽ kéo dài, dẫn tới một số biến chứng như viêm họng, nhiễm trùng tai, viêm phế quản.
Hơn nữa, sổ mũi kéo dài còn ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của trẻ, gây sự khó chịu, mệt mỏi cho bé. Nếu không điều trị dứt điểm tình trạng này có nguy cơ trở thành mãn tính.
1.5. Thời tiết lạnh
Thời tiết lạnh cũng có thể kích thích tạo ra chất nhầy trong mũi, dẫn tới trẻ bị sổ mũi kéo dài, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.
Nếu trẻ có hệ miễn dịch kém, không thể chống lại được với cái lạnh, tình trạng sổ mũi có thể kéo dài từ nửa tháng đến 1 tháng. Vì vậy, giữ ấm cho bé và bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho con.
Ngoài ra, một số lý do khác như dị vật chèn ở mũi, lệch vách ngăn mũi, do dùng thuốc không đúng cách... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sổ mũi kéo dài ở trẻ.
2. Phải làm gì khi trẻ bị sổ mũi kéo dài?
Khi trẻ gặp tình trạng sổ mũi kéo dài, cha mẹ nên có những biện pháp cải thiện sớm để tránh gây ra những biến chứng cho trẻ, cụ thể:
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Điều này vừa giúp trẻ giảm nghẹt mũi lại phòng ngừa virus, vi khuẩn phát triển mạnh gây ra viêm mũi.
- Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, chẳng hạn như thuốc thông mũi, thuốc xịt mũi, thuốc kháng histamine… Lưu ý, không tự ý dùng thuốc, cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp với từng độ tuổi.
- Hít tinh dầu cũng sẽ làm giảm triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi nhưng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian. Vì vậy, đây không được coi là biện pháp điều trị.
- Bổ sung đủ nước cho trẻ vì sẽ làm giảm độ đặc chất nhầy ở mũi, đẩy chất nhầy khỏi mũi, giảm áp lực trong xoang, giảm viêm.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các loại vitamin và khoáng chất cho con để tăng cường hệ miễn dịch. Khi sức đề kháng của trẻ đã khoẻ thì sẽ giúp đẩy lùi bệnh một cách nhanh chóng, từ đó cải thiện các triệu chứng của bệnh nhanh hơn.
Ngoài ra, trẻ khỏe mạnh sẽ phòng ngừa bệnh tái lại, giảm nguy cơ trẻ biếng ăn, chậm lớn sau khi ốm dậy.
Có thể nói, trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên thường xuyên bị bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến virus, vi khuẩn. Sổ mũi kéo dài là tình trạng phổ biến ở nhiều trẻ em và cần được cải thiện sớm để tránh các biến chứng sức khoẻ. Hơn nữa, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp để phòng tránh bệnh cho trẻ như tăng cường hệ miễn dịch, tiêm phòng, vệ sinh sạch sẽ...
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()