Ngày 9/4, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tư vấn cách chăm sóc trẻ mắc thủy đậu trước bối cảnh bệnh đang gia tăng ở Hà Nội, nhiều trẻ gặp biến chứng do cha mẹ chủ quan. Trong đó, bác sĩ khuyến cáo không nên kiêng tắm, kiêng nước khi bị thủy đậu để tránh viêm nhiễm do mất vệ sinh.
Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt
Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly, không cho tiếp xúc với mọi người để tránh lây nhiễm. Phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
Trẻ sốt trên 38,5 độ, cho uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15 mg/kg, cách 4-6 giờ/lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý, dùng nước ấm (không quá ấm nóng) chườm ấm, tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể bé.
Bé ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì, đưa đến bệnh viện khám.
Vệ sinh cơ thể, không nên kiêng tắm
Nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió, nên không tắm cho con. Quan niệm này không đúng. Trẻ mắc thủy đậu nên được vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng nặng hơn.
Vệ sinh mắt mũi, răng miệng hàng ngày 2-3 lần bằng nước muối 0,9%. Lý do là thủy đậu có thể mọc trong miệng, không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.
Tắm bằng nước ấm đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc. Đặt trẻ vào chậu nước, lấy tay té nước lên người nhẹ nhàng, dùng khăn xô mềm vỗ nhẹ lên các vùng da để làm sạch, không cọ xát mạnh gây vỡ nốt phỏng. Tắm xong, dùng khăn xô hoặc khăn coton dễ thấm nước, thấm nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát, sau đó bôi xanh methylen để sát khuẩn.
Thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.
Bổ sung dinh dưỡng
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng. Trẻ đau miệng thì ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo. Trẻ đang bú mẹ thì vẫn cho bú bình thường.
Phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách tiêm vaccine thủy đậu.
Ý kiến ()