Tất cả chuyên mục

Thông qua các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, chính sách ưu tiên về học tập, việc làm, nghề nghiệp; tỉnh Quảng Ninh đang dần khẳng định những ưu tiên, cam kết trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển toàn diện.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng DTTS. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia. Hình thức truyền thông được đổi mới. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
Tỉnh hiện xây dựng, duy trì 33 mô hình bình đẳng giới; 110 CLB hôn nhân gia đình và bình đẳng giới; trên 100 địa chỉ tin cậy và nhiều nhà tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã; mô hình “Hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (Ngôi nhà Ánh Dương), do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ.
Tỉnh thí điểm nhân rộng 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; triển khai mô hình thí điểm “Thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em nơi công cộng” tại TP Hạ Long; mô hình nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại các địa phương.
Những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh luôn là nòng cốt trong các chương trình, hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em gái. Các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý... được tăng cường về số lượng, tiếp cận với đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa bàn cơ sở. Các chính sách hỗ trợ đặc thù được thực hiện đầy đủ, kịp thời, phát huy hiệu quả; góp phần quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030). Để triển khai Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát nhu cầu, đánh giá nhận thức của người dân về khuôn mẫu giới, bạo lực gia đình, các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cần được quan tâm, giải quyết tại 39 xã thuộc 8 địa phương thực hiện dự án là Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu và Vân Đồn.
Năm 2024 Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 4 hội nghị giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn cho 800 hội viên phụ nữ tại các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà; in ấn 1.000 túi vải truyền thông về bình đẳng giới; thành lập và ra mắt 10 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và 23 tổ truyền thông cộng đồng tại 8 huyện triển khai Dự án 8.
Để phụ nữ và trẻ em gái được phát triển một cách toàn diện cần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; từng bước thu hẹp khoảng cách giới, bảo đảm bình đẳng giới một cách thực chất giữa nam và nữ; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng.
Ý kiến ()