Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:07 (GMT +7)
Trào lưu mặc đồ Mông Cổ trên sông Nho Quế gây tổn thương giá trị văn hóa
Thứ 7, 25/03/2023 | 08:54:52 [GMT +7] A A
Trào lưu thuê những bộ trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế (Hà Giang) nở rộ một năm trở lại đây, được đánh giá "gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc".
Đổ xô mặc đồ Mông Cổ, Tây Tạng trên sông Nho Quế
Ấn tượng với những bộ trang phục nhiều màu sắc nổi bật trên nền nước xanh của sông Nho Quế, Ngọc Bích (29 tuổi, Hà Nội) đã chọn hóa thân thành một cô gái Tây Tạng trong chuyến du lịch Hà Giang vừa rồi. Những lần đến Sa Pa hay Mộc Châu trước đó, Bích từng diện những bộ đồ dân tộc truyền thống.
"Để tránh nhàm chán, tôi chọn đồ Tây Tạng, thực hiện bộ ảnh khác biệt khi ngồi thuyền trên sông Nho Quế", Bích nói.
Tương tự, Lan Phương (27 tuổi, Hà Nội) cũng thuê một bộ trang phục Mông Cổ "vì khá bắt mắt, lên ảnh rất ấn tượng". "Tôi không suy nghĩ nhiều, thấy các du khách mặc đẹp nên cũng học theo", Phương giải thích lý do.
Trào lưu thuê những bộ trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế (Hà Giang) nở rộ một năm trở lại đây. Nhiều bạn trẻ như Phương và Bích lựa chọn đồ Mông Cổ, Tây Tạng hoặc Thái Lan với mong muốn có bộ ảnh đẹp, độc lạ.
Chị Lù Thị Viên (người cho thuê trang phục ở sông Nho Quế) cho biết, loại trang phục nước ngoài được ưa chuộng hơn đồ truyền thống dân tộc của người Mông, người Thái.
"Có lần, do hết trang phục người Tây Tạng, tôi mời khách thuê trang phục dân tộc mình, cũng màu sắc rực rỡ, đầy đủ phụ kiện, nhưng họ không chịu, bảo những bộ đó đã từng chụp nhiều rồi", chị Viên nói.
Mỗi ngày, chị Viên cho thuê 15 - 20 bộ trang phục của quốc gia khác, chỉ tính riêng khách lẻ, tất cả khách thuê đều là người Việt Nam. Trong khi đó, trang phục truyền thống dân tộc ít hơn, chỉ 5 - 10 bộ/ngày.
Hai loại trang phục có giá thuê bằng nhau, đều 100.000 đồng/bộ. Nếu khách yêu cầu, tiểu thương sẽ hỗ trợ trang điểm, tết tóc, điều chỉnh trang phục giống hệt như cách người Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan mặc.
Theo tìm hiểu, những bộ trang phục này được người dân địa phương, các tiểu thương nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn. Phần lớn các thiết kế được may lại theo nguyên mẫu đồ truyền thống của người Mông Cổ, Thái Lan, Tây Tạng… nhưng chất liệu và gia công rẻ, chỉ phục vụ kinh doanh cho khách du lịch thuê chụp ảnh.
Ngày 23/3, Khoai Lang Thang (32 tuổi, tên thật Đinh Võ Hoài Phương) - một travel blogger nổi tiếng, đã chia sẻ lên mạng xã hội về việc khách nước ngoài thắc mắc: "Nho Quế có phải là địa danh của Việt Nam không?" khi thấy tràn lan những bức ảnh khách du lịch mặc trang phục Mông Cổ, Tây Tạng tại đây.
"Nếu các bạn đến sông Nho Quế (Hà Giang) hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, nên hạn chế mặc đồ của những nước khác nha", Khoai Lang Thang gửi gắm.
Dưới bài viết, đa phần ý kiến đồng tình với quan điểm của Khoai Lang Thang, cho rằng khách du lịch nên tôn trọng văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, Hoa hậu Thùy Tiên cũng để lại bình luận: "Lần đầu đi Hà Giang nên Tiên đã không chú ý tới vấn đề đó. Tiên sẽ lưu ý trong những lần sau".
Trao đổi với Dân trí, Khoai Lang Thang cho biết, bài chia sẻ trên mạng xã hội là "chút cảm xúc cá nhân", như một "lời kêu gọi" du khách đến với Hà Giang hay bất cứ địa điểm nào của Việt Nam, nên ưu tiên trang phục của các dân tộc địa phương.
"Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mọi người có thể mặc bất cứ trang phục nào, miễn phù hợp với văn hóa và pháp luật, tuy nhiên nên hạn chế trang phục truyền thống, cổ phục nước ngoài tại địa danh nổi tiếng của Việt Nam", anh nói.
Dưới góc độ hướng dẫn viên du lịch tại Hà Giang, N.T.T. (26 tuổi) cho hay việc du khách chọn các trang phục nước ngoài để chụp ảnh check - in là điều không sai, "bởi ai cũng thích đẹp và có nhu cầu làm đẹp".
Tuy nhiên, theo anh, dưới góc độ văn hóa, điều này về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định. Trên thực tế, nhiều du khách chỉ chạy theo trào lưu phục vụ sống ảo, mà chưa hiểu hết về trang phục mình thuê.
"Du khách đến Hà Giang đổ xô chụp ảnh mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ, thì dần những người sau sẽ nghĩ đó mới là đặc trưng văn hóa, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang", T. nêu quan điểm.
Nam hướng dẫn viên cho rằng du khách muốn hội nhập và giao lưu, nhưng vô tình quên mất văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc mới là điều để lại dấu ấn. Anh hy vọng khi có nhiều người cùng lên tiếng, thì du khách sẽ lưu tâm hơn đến vấn đề trang phục.
"Đừng biến giá trị văn hóa truyền thống thành hàng hóa để mua bán"
Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nhận định trào lưu du khách mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế là một thực trạng đáng buồn, gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc.
Theo bà, trang phục không chỉ là cái mặc, mà còn đại diện cho một quốc gia, một bản sắc dân tộc, cho chúng ta thấy cội nguồn lịch sử phát triển của dân tộc đó. Những họa tiết, hoa văn trên trang phục thể hiện nhân sinh quan của người Việt.
"Nhiều người dân địa phương, tiểu thương nhập trang phục nước ngoài về kinh doanh, đơn thuần nghĩ để 'câu khách', tăng giá trị vật chất, nhưng quên mất đang đánh đổi giá trị tinh thần. Sự mất mát lớn nhất chính là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc", nữ tiến sĩ cho hay.
Vị chuyên gia cho biết, người dân địa phương có thể phân biệt trang phục của người dân tộc và của nước ngoài, song khách du lịch thì không. Họ chỉ có nhu cầu chụp ảnh theo xu hướng độc, lạ. Điều này khiến bản chất là văn hóa du lịch các vùng miền, nhưng sản phẩm hình ảnh lại mang dáng hình, hoa văn, họa tiết của những quốc gia khác.
Theo bà Hồng, nguyên nhân một phần do nhận thức chưa sâu sắc của người dân địa phương và các tiểu thương. Môi trường kinh tế thị trường buộc họ thích nghi, chạy theo cung - cầu. Với tư cách một người đam mê văn hóa Việt, bà kêu gọi "đừng biến giá trị văn hóa truyền thống thành hàng hóa để mua bán".
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng mong muốn chính quyền, đơn vị quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương nhận thức được lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ văn hóa dân tộc.
"Chúng ta không nên nhìn thấy giá trị vật chất trước mắt, mà quên mất giá trị trường tồn, giá trị lớn hơn, chính là truyền thống văn hóa. Người dân có thể mất một chút lợi ích trước mắt, nhưng sẽ giữ được mối lợi ích lâu dài, tạo sức hút riêng của vùng văn hóa và sắc thái văn hóa dân tộc", bà cho hay.
Với du khách trong và ngoài nước, theo chuyên gia, cần có ứng xử văn hóa đúng đắn và biết tôn trọng giá trị truyền thống của Việt Nam.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()