Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:31 (GMT +7)
Trào lưu dễ gây phản cảm ở nhạc Việt
Thứ 7, 06/08/2022 | 07:50:51 [GMT +7] A A
Viết tắt tên bài hát để tạo hashtag trên mạng xã hội là trào lưu phổ biến ở Vpop trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc này dễ dẫn đến tình huống phản cảm, gây tranh cãi.
Một vấn đề khiến khán giả băn khoăn về nhạc Việt thời gian qua là cách ca sĩ đặt hashtag trên mạng xã hội.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển, việc chia sẻ link MV, bài hát trên trang cá nhân, fanpage sau đó đặt hashtag ngày càng phổ biến. Trào lưu này phổ biến ở Vpop từ năm 2017 sau khi Chi Pu đặt hashtag ESRAXLED là tên viết tắt của bài hát Em sai rồi anh xin lỗi em đi.
Mặt trái của trào lưu
Sử dụng thẻ bắt đầu bằng # về bản chất là một cách để nhóm các cuộc trò chuyện hoặc nội dung xung quanh một chủ đề nhất định lại với nhau, giúp mọi người dễ dàng tìm thấy nội dung mà họ quan tâm.
Hashtag là cách để kết nối nội dung mạng xã hội với một chủ đề, sự kiện, chủ đề hoặc cuộc trò chuyện cụ thể. Hashtag có thể được sử dụng trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào. Nhờ đó khả năng lan truyền của các sản phẩm âm nhạc càng được đẩy mạnh.
Trong vài năm trở lại đây, đông đảo nghệ sĩ sử dụng hashtag, chẳng hạn Hồ Ngọc Hà với Em muốn anh đưa em về (EMADEV), Bảo Anh - Ai cần ai (#ACA), Tóc Tiên - Có ai thương em như anh (CATENA), Trúc Nhân - Lớn rồi còn khóc nhè (LRCKN)…
Nhiều ca sĩ khi chia sẻ thông tin sản phẩm trên trang cá nhân, fanpage thay vì viết đầy đủ tên bài hát thì chỉ sử dụng hashtag. Đây là cách thức kích thích sự tò mò khá hiệu quả của Vpop trong khoảng vài năm qua.
Thông qua hashtag đó, khán giả có thể tìm kiếm những sản phẩm liên quan. Hashtag thường được ca sĩ đặt theo tiêu đề bài hát, viết tắt những chữ cái đầu tiên trong tiêu đề hoặc cụm từ nổi bật nhất trong bài hát. Tuy nhiên, vì quy định hashtag không có dấu nên nhiều trường hợp gây tranh cãi phát sinh.
Cách đây ít ngày, Hoàng Dũng ra mắt bài hát Đoạn kết mới. Nam ca sĩ chia sẻ thông tin về sản phẩm trên trang cá nhân với hashtag là viết tắt những chữ cái đầu tiên trong tiêu đề. Bởi thế, hashtag bị biến thành từ chửi thề khá phổ biến trên mạng xã hội.
Chính Hoàng Dũng thừa nhận anh ngại ngùng khi chia sẻ hashtag vì nó có thể biến thành từ nhạy cảm. Sau đó, Hoàng Dũng thay đổi hashtag để tránh tranh cãi bằng cách viết đầy đủ tiêu đề. Có lẽ nam ca sĩ đã rút kinh nghiệm sau khi để hashtag gây tranh cãi với MV Khi em lớn ra mắt năm 2021. Nếu Hoàng Dũng không kịp thay đổi hashtag với Đoạn kết mới, có lẽ anh cũng vấp phải tranh cãi tương tự Hương Tràm hay Erik.
Khi Duyên mình lỡ ra mắt, Hương Tràm để hashtag #DML cùng tiêu đề. Vấn đề này đã gây tranh cãi suốt thời gian dài vì hashtag nữ ca sĩ sử dụng được nhận xét nhạy cảm. Tương tự, Erik từng bị chỉ trích khi dùng hashtag #DCM cho MV Đừng có mơ.
Khán giả khi đó tức giận và phẫn nộ với cách làm của Erik. Lý do là trong poster hay các bài viết, teaser đầu tiên quảng bá sản phẩm, nam ca sĩ không dùng tên đầy đủ của bài hát mà chỉ để là #DCM. Bất cứ ai thường xuyên tiếp cận mạng xã hội, đặc biệt lứa 9X như Erik đều biết DCM là viết tắt của một từ chửi thề có ý nghĩa dung tục.
Khi bài hát chính thức được phát hành, tiêu đề không hề nhạy cảm như khán giả đồn đoán. Thế nhưng, thay vì quảng bá với tên đầy đủ Đừng có mơ, ê-kíp của nam ca sĩ lại chọn cách viết tắt thành DCM.
“Không hiểu ca sĩ nghĩ gì khi đưa mấy từ viết tắt nhạy cảm như thế này”, “Viết tắt thành hashtag bình thường thì không sao, thế nhưng mấy hashtag nhạy cảm chẳng hay ho gì vẫn thích đưa vào”, “Sao lại có tên là DCM, từ bao giờ những chữ cái mang ý nghĩa nhạy cảm lại được nghệ sĩ sử dụng như một công cụ lăng xê vậy”, khán giả tức giận trước hướng PR của ê-kíp.
Trách nhiệm kiểm duyệt của các nền tảng
Như đã nói, hashtag có hiệu quả trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau nên là công cụ đắc lực với ca sĩ Việt hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại mặt trái là giúp sản phẩm âm nhạc kém chất lượng dễ dàng đến với khán giả trẻ.
Đặc biệt, sự ra đời của các hashtag cộng thêm khâu kiểm duyệt được cho là lỏng lẻo của các nền tảng đã góp phần đẩy “nhạc rác” ở Vpop đi xa và phổ biến hơn.
Trong bối cảnh người trẻ dùng mạng xã hội, các nền tảng giải trí phim ảnh, âm nhạc ngày càng nhiều, họ có xu hướng click vào những hashtag phổ biến. Trong khi đó, các hashtag phổ biến lại được các nền tảng đẩy lên vị trí nổi bật, dễ nhìn thấy. Cộng hưởng hai yếu tố đó khiến những bài hát có nội dung phản cảm càng dễ dàng lan truyền.
#muachoconchieccongtay (PV: Mua cho con chiếc còng tay) là hashtag của Censored - một sản phẩm của rapper Chị Cả. Hashtag được đặt từ một đoạn lời trong bài và là gợi ý xu hướng nội dung nổi bật trên TikTok vào khoảng tháng 10/2021.
Thời điểm đó, những video liên quan đến hashtag này đạt hơn 700.000 lượt xem. Censored của Chị Cả đề cập đến vấn đề nhạy cảm với ca từ dung tục. Tuy nhiên, hashtag của bài vẫn được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất khi khán giả truy cập vào nền tảng nên thu hút lượt xem khủng.
Sau đó, rapper Chị Cả bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi lưu hành sản phẩm Censored có nội dung trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Rapper Chị Cả phải tiêu hủy sản phẩm, gỡ hoàn toàn khỏi các nền tảng mạng xã hội.
Việc đặt hashtag rõ ràng có lợi cho nghệ sĩ, đặc biệt về việc quảng bá, tăng lượt xem. Tuy nhiên, khán giả cho rằng để sản phẩm có sức lan tỏa lớn, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng âm nhạc chứ không phải hashtag. Do đó, những hashtag nhạy cảm là không cần thiết, thậm chí có thể ảnh hưởng tới uy tín nghệ sĩ.
Về vấn đề đặt hashtag của giới nghệ sĩ, nhạc sĩ Tú Dưa bày tỏ: “Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào YouTube, TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ cần sự kiểm duyệt".
Đồng tình với quan điểm trên, rapper MC Ill đưa quan điểm với Zing: “Kênh YouTube của một cá nhân nếu không làm gì phạm pháp, không thể cấm họ đăng nội dung. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hiện giờ dễ tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nên sự ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về cả hai phía, tôi hy vọng sự tiết chế từ nghệ sĩ và sự quản lý của gia đình".
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()