Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:32 (GMT +7)
Trào lưu cho trẻ dùng sữa hạt, có ổn?
Thứ 3, 30/07/2024 | 09:01:33 [GMT +7] A A
Trào lưu dùng sữa hạt nổi lên, nhiều cha mẹ bỗng dưng chọn sữa hạt thay thế hoàn toàn sữa tươi hay sữa công thức dành cho trẻ nhỏ vì nhiều lý do khác nhau.
Các chuyên gia y tế cho rằng sữa hạt có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên cần cẩn thận tránh dùng sai, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
"Sữa hạt" không phải là... sữa
Thấy cháu gái của mình dậy thì sớm, anh Tấn Lâm (Quảng Nam) nhất quyết cho con mình dùng sữa hạt ngay khi cai sữa mẹ vì tự cho rằng uống sữa bò gây dậy thì sớm.
Chị Hồng Anh (TP.HCM) cho biết gia đình ăn chay trường nên muốn cho bé dùng sữa hạt thay vì sữa có nguồn gốc từ động vật. Chị Anh chọn sữa hạt hoàn toàn cho con mới 1,5 tuổi. Có nhiều lý do khiến cha mẹ có xu hướng cho trẻ dùng sữa hạt thay thế sữa bò.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, "sữa hạt" là từ thông dụng để gọi "nước ép hạt" hoặc "sinh tố hạt" nhưng bản chất không phải là sữa. Sữa hạt có thành phần từ thực vật như các loại hạt, ngũ cốc... được thêm nước, đường và nấu chín để tạo ra một ly "sữa" có vị thơm và béo.
ThS Hoàng Thị Ái Nhi, phó trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết thành phần dinh dưỡng của sữa hạt phụ thuộc vào loại hạt được sử dụng trong ly sữa đó. Sữa hạt mang lại nhiều ưu điểm về dinh dưỡng như cung cấp chất xơ và chất đạm cao, nhiều vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, với trẻ em, sữa hạt có một số nhược điểm so với sữa bò như thành phần dinh dưỡng không ổn định, không cân đối, hàm lượng canxi thấp (100ml sữa hạt có thể chỉ cung cấp 20 - 30mg canxi thậm chí thấp hơn, nhưng 100ml sữa bò cung cấp khoảng 100mg canxi tốt cho sự tăng trưởng của trẻ).
Ngoài ra, đạm thực vật thiếu hụt một số axit amin thiết yếu so với đạm từ sữa động vật, đạm thực vật có thể gây dị ứng, khó tiêu ở trẻ, đặc biệt nhóm trẻ dưới 1 tuổi...
Theo bác sĩ Ái Nhi, một số vấn đề khác thường gặp như trẻ sút cân, đầy bụng, biếng ăn, khó ngủ... sau khi được bổ sung lượng sữa hạt quá mức. Sự lạm dụng sữa hạt thay thế sữa động vật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.
Trẻ em có thể sử dụng sữa hạt như một món ăn trong thực đơn hằng ngày, nhưng cần đảm bảo lượng vừa phải, phù hợp với độ tuổi, quan trọng nhất là cần đảm bảo lượng sữa bò và chế phẩm từ sữa bò cung cấp đủ lượng canxi theo nhu cầu của trẻ đúng lứa tuổi, nhằm đảm bảo sự phát triển tốt cho sự tăng trưởng của trẻ.
Cần xem xét chế độ ăn
Bác sĩ Bùi Thị Lệ Giang, khoa nhi tại một bệnh viện, cho rằng không nên cho trẻ dưới 12 tháng uống sữa hạt. Trẻ trên 12 tháng có thể dùng nhưng cần thận trọng lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.
Bác sĩ Lệ Giang khẳng định sữa hạt không tương đương về mặt dinh dưỡng với sữa bò, ngoại trừ sữa đậu nành. Vậy nên trẻ em sẽ không nhận được đủ chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết như canxi, vitamin D và protein.
Phytate trong hạt thường được nghiền nát để tạo thành "sữa", liên kết với kẽm, magie và sắt. Cơ thể đang phát triển của trẻ không thể hấp thụ đúng cách các vitamin được thêm vào "sữa" có nguồn gốc thực vật.
Bác sĩ Lệ Giang khuyến cáo: "Đối với trẻ bị dị ứng với sữa bò, ba mẹ nên nhận sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng. Điều quan trọng là phải xem xét toàn bộ chế độ ăn uống của trẻ".
Việc thay thế hoàn toàn sữa bò bằng đồ uống có nguồn gốc thực vật mà không điều chỉnh chế độ ăn uống, theo bác sĩ Lệ Giang, có thể dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng về lâu dài.
"Có nhiều phụ huynh cho trẻ dùng sữa hạt chủ đạo, thậm chí thay thế 100% sữa động vật, dẫn đến một số trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, tổng lượng canxi mỗi ngày không đạt nhu cầu của trẻ.
Hậu quả chiều cao của trẻ không đạt trung bình, có trẻ có chiều cao vào nhóm suy dinh dưỡng thể thấp còi. Sau khi được điều chỉnh và thay đổi chế độ sữa, trẻ có xu hướng đáp ứng tốt hơn và chiều cao cải thiện hơn trước", bác sĩ Ái Nhi thông tin.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()