Đầu tư công, FDI, du lịch đang được xem là động lực tích cực của tăng trưởng GDP 2023 trong bối cảnh thách thức xuất khẩu yếu dần, bất động sản còn trầm lắng.
Với GDP tăng 8,02% năm qua, mức cao nhất giai đoạn 2011-2022, HSBC trong báo cáo mới phát hành nhận định Việt Nam nhiều khả năng vào "top" tăng trưởng của châu Á lần nữa, có thể chỉ sau Malaysia.
Tuy nhiên, nhà băng này khuyến cáo "không thể ngủ quên trên chiến thắng" khi những khó khăn trong thương mại đang mạnh lên. "Bất chấp 2022 tươi sáng, 2023 sẽ là một năm thách thức', HSBC nhận định.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Cùng với HSBC, một số tổ chức nghiên cứu khác gần đây cho rằng triển vọng tăng trưởng 2023 có sáng tối đan xen khi nhìn vào các yếu tố cấu thành GDP. Theo đó, sức tiêu dùng (C) sẽ gặp khó bởi lạm phát, sức đầu tư (I) hạn chế bởi lãi vay, còn xuất khẩu (NX) bị nhu cầu thế giới yếu phủ bóng. Duy nhất đầu tư công (G) được xem là xán lạn.
Cụ thể, về thách thức, HSBC cho rằng rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Tháng trước, xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ 2021, với sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Nhập khẩu cũng giảm ở nhóm hàng liên quan công nghệ.
Điều này có thể được hiểu là Việt Nam đang ở thế "đứng mũi chịu sào" ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang hạ nhiệt. Triển vọng sản xuất đang bắt đầu có dấu hiệu khó khăn với chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) mới nhất tiếp tục giảm xuống 46,4 trong tháng qua, mức thấp nhất 1,5 năm qua. Mức dưới mốc 50 phản ánh sản xuất giảm.
"Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm tốc trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn trong năm nay khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo chậm lại", HSBC nhận định.
Theo Fitch (một trong những cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới), việc Mỹ và EU sẽ còn tăng thêm lãi suất nên tiếp tục ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng người dân. Do đó, tăng trưởng chi tiêu của hai bạn hàng lớn của Việt Nam này năm nay dự báo chỉ khoảng 0,9%, so với mức 2,5% của 2021.
Chứng khoán SmartInvest (AAS) cũng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu năm nay chỉ vào khoảng 9,3%, so với 14% của 2022. Thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ mang lại trợ lực nhưng chỉ chiếm dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên được cho là không bù hết được mức giảm từ Âu - Mỹ.
Trở lực thứ hai có thể là lạm phát. HSBC cho rằng cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu áp lực lạm phát mạnh lên, đặc biệt là giá hàng hóa cơ bản. Tháng trước đã là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát vượt 4%. Nhà băng này dự đoán lạm phát 2023 sẽ là 4%.
Phía ASS cũng cho rằng lạm phát năm nay dao động 3,8-4% nhưng tỷ giá và lãi suất thì cần theo dõi. "Áp lực với các yếu tố này sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2023, khi Fed chuyển sang hướng điều hành trung lập và bớt diều hâu hơn so với thời điểm hiện tại", bộ phận nghiên cứu của công ty nhận định.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan.Theo VnDirect, đầu tư công có tín hiệu bứt phá đầu năm khi 12 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị lên tới 52.280 tỷ đồng đã khởi công từ ngày 1/1.
Bên cạnh đó, 13 gói thầu còn lại của cao tốc này giai đoạn 2, đường vành đai 3 (TP HCM) và vành đai 4 (Hà Nội) cũng dự kiến bắt đầu thi công trong nửa đầu năm. Vì vậy, công ty này dự báo giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với cùng kỳ, qua đó thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành.
"Chúng tôi đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết", VnDirect nhận định.
Cùng với đó, FDI cũng được cho là còn cửa sáng. HSBC khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, phần nào bù đắp cho những khó khăn trong thương mại hiện tại.
Không chỉ những ông lớn như Samsung và LG tiếp tục kế hoạch mở rộng ở Việt Nam mà nhà cung cấp của Apple cũng định tăng sản xuất ở Bắc Giang. Báo cáo mới công bố của nhà dịch vụ bất động sản Colliers Việt Nam cho hay thị trường bất động sản công nghiệp cả nước trong quý vừa qua vẫn tăng trưởng.
Ông Chí Vũ, Trưởng phòng Cấp cao Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers Việt Nam đánh giá vệc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng từ các thị trường phát triển chắc chắn có ảnh hưởng đến kế hoạch tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
"Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Một ví dụ là bài toán chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình bền vững hơn trong những năm tới", ông Vũ phân tích.
Thận trọng hơn, ASS xem khả năng hút FDI là một biến số chứ không hoàn toàn lạc quan. Lý do là Việt Nam đang không góp mặt trong chuỗi giá trị bán dẫn và xe điện, nên có dấu hiệu chậm lại trong cuộc đua thu hút FDI ở Đông Nam Á. 11 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 3 về lượng vốn thu hút. Do vậy, ASS cho rằng nếu các chính sách không thay đổi, vị thế Trung Quốc + 1 có thể biến mất trong tương lai gần.
Một kỳ vọng khác đang được đặt cho ngành du lịch. Theo HSBC, mặc dù không quá phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, Việt Nam không thể xem nhẹ tầm quan trọng của nó đối với thị trường việc làm. Khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong các ngành liên quan đến ăn uống và lưu trú. Đặc biệt, thị trường việc làm phi chính thức còn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ du lịch.
Du lịch Việt Nam đã và đang chậm so với các nước khác trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% chỉ tiêu. Tuy nhiên, mức này chỉ bằng 20% so với năm 2019, thấp hơn mức 28% của Singapore và mức 25% của Thái Lan.
"Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1, nhiều khả năng sẽ mang lại cú hích cần thiết", HSBC đánh giá. Cũng giống như Thái Lan, nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, với tỷ trọng trước dịch khoảng 30%.
Trong báo cáo mới nhất này, HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng Việt Nam 2023 là 5,8%. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của ASS đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng lạc quan, hợp lý và tiêu cực lần lượt là 7,3%; 6,9% và 6,2%.
Ý kiến ()